Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần khuyến khích hơn nữa

Thiện Mỹ| 13/12/2020 06:08

(HNM) - Những năm qua, sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn, kèm theo nỗi trăn trở về việc làm mới mình để thu hút khán giả. Và sau nhiều nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm, tín hiệu vui đã xuất hiện khi có sự “bắt tay” giữa các loại hình nghệ thuật để làm nên những tác phẩm mới lạ, hấp dẫn công chúng.

Sự lồng ghép giữa ca, kịch cải lương với những màn biểu diễn xiếc hấp dẫn lần đầu tiên đã đến với công chúng Thủ đô Hà Nội qua vở diễn “Cây gậy thần”. Sự kết hợp này giúp sân khấu trở nên độc đáo, “thổi luồng gió mới” vào nghệ thuật truyền thống. Không chỉ vậy, lĩnh vực âm nhạc cũng đang mang đến nhiều cung bậc cảm xúc mới, khi các nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm kết hợp nhuần nhị giữa chất liệu dân gian của xẩm với chất liệu hiện đại của nhạc rap, nhạc điện tử; hay như sự hòa quyện giữa tuồng, chèo, cải lương với nhạc jazz... Những chuyển biến này tuy mới chỉ là những nét chấm phá trong biểu diễn sân khấu, nhưng đã cho thấy sự thay đổi lớn trong tư duy của những người làm nghệ thuật. Không còn giữ “sân riêng”, giới nghệ sĩ đã kết hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau để tôn lên thế mạnh của từng thể loại; tạo sự kết nối, mang đến những cảm nhận mới cho công chúng, từ đó chắt lọc, tìm hướng phát triển mới cho sân khấu nước nhà.

Song, tìm hướng đi mới và được công chúng chọn lựa là điều không đơn giản. Làm sao để biểu diễn sân khấu không già cỗi, nhàm chán? Làm sao giữ nét truyền thống, bản sắc văn hóa, nhưng không tẻ nhạt, rập khuôn? Thực tiễn đã chứng minh, sân khấu nào chậm đổi mới, thiếu sáng tạo sẽ tự đánh mất vị trí của mình. Do đó, đội ngũ nghệ sĩ phải luôn nuôi dưỡng sự sáng tạo và lao động nghệ thuật nghiêm túc; tìm tòi, nghiên cứu nhu cầu của công chúng để phục vụ. Đồng thời, học hỏi từ nền nghệ thuật của các nước để có sự điều chỉnh, vận dụng cho phù hợp với thị hiếu khán giả.

Sáng tạo là cần thiết, đổi mới là xu thế không thể đổi chiều, nhưng cũng cần chắt lọc khéo léo, để vừa tạo sự tươi mới vừa giữ được chất riêng của loại hình, bản sắc văn hóa của dân tộc, nhất định không được chạy theo thị hiếu “ăn xổi” của một bộ phận người xem, người nghe, bởi điều này không giữ được sức sống bền lâu cho sàn diễn. Đặc biệt, sự chuyển động trong sáng tạo và đổi mới nghệ thuật phải tính đến câu chuyện đường dài, nghĩa là các đơn vị biểu diễn phải chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy cũng như cách thức hoạt động. Do đó, cần nhiều hơn những cuộc "bắt tay" của các chủ thể trong lĩnh vực sân khấu để sáng tác những tác phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Muốn vậy, mọi sáng tạo nghệ thuật phải mang hơi thở cuộc sống, song hành với sự phát triển của xã hội...

Những thay đổi, cách tân của sân khấu theo kiểu kết hợp các loại hình mới là bước khởi đầu và sẽ có hiệu ứng nhiều chiều từ công chúng. Do đó, các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật; các đơn vị biểu diễn cần vừa khơi gợi, tạo điều kiện tối đa cho sự sáng tạo vừa dõi theo để “căn chỉnh” kịp thời, giúp các nghệ sĩ có cơ hội thử sức, làm mới mình song không “chệch hướng” và được công chúng thực sự đón nhận.

Xu hướng cộng sinh, hợp tác giữa các loại hình nghệ thuật không chỉ giúp cho sân khấu tìm ra "lối đi" mới mà còn để công chúng được thụ hưởng nghệ thuật một cách phong phú hơn, ở tầm mức chất lượng cao hơn. Những cuộc “bắt tay” giữa các đơn vị nghệ thuật, do đó, cần được khuyến khích hơn nữa trong thời gian tới, để các loại hình nghệ thuật phát huy hết tiềm năng sáng tạo, phát triển và phục vụ công chúng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần khuyến khích hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.