Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Nguyễn Xuân Diên| 14/04/2013 06:23

(HNM) - Chế định sở hữu đối với đất đai là vấn đề quan trọng nhất của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này và cũng là một nội dung quan trọng đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đây là vấn đề cần được luận bàn thấu đáo để xây dựng được quy định đúng đắn hợp lòng dân, bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Vì sao phải giữ nguyên chế định đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân do Nhà nước là chủ đại diện duy nhất? Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta hiện nay, dưới Hiến pháp thì Luật Đất đai là một đạo luật đứng vào hàng quan trọng bậc nhất. Từ khi lập nước ngày 2-9-1945 đến nay, Nhà nước ta đã có bốn bản Hiến pháp và các bản Hiến pháp đều quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Suy xét thật sâu, rộng về đặc điểm vị trí địa lý và điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, đất đai không chỉ là một phạm trù kinh tế, mà còn thuộc phạm trù chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng; đất đai là nguồn lực đặc biệt cho sự phát triển đất nước… Dù ở đất liền hay hải đảo, đất đai ở đâu thuộc lãnh thổ Việt Nam, nếu là người Việt Nam thì đều phải có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ và đều được hưởng lợi từ giá trị của đất đai dưới mọi hình thức. Bản chất Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. "Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân", nhân dân phải là chủ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Việc khẳng định Nhà nước là đại diện duy nhất cho nhân dân sở hữu đối với đất đai là hoàn toàn đúng đắn và việc không công nhận các hình thức sở hữu khác về đất đai là hoàn toàn nhất quán với các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp. Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do, tạo nên cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn.

Nếu công nhận sở hữu tư nhân về đất đai sẽ là sai lầm, gây hậu họa cho đất nước. Đó là quan điểm của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân khi bày tỏ ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy vậy, hiện nay vẫn có nhiều ý kiến ngược chiều, băn khoăn về việc có nên hay không nên công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai? Phải nói rằng, đây là vấn đề lớn và rất hệ trọng. Chỉ cần quyết định sai lầm sẽ phải gánh chịu hậu quả khó lường. Nếu chia nhỏ diện tích đất đai của quốc gia giao cho nhiều pháp nhân, tư nhân sở hữu sẽ là nguy cơ dẫn tới mâu thuẫn lợi ích khó có thể điều hòa, tạo nên sự phân hóa xã hội sâu sắc, nguy cơ về tiêu cực, tham nhũng, dễ xảy ra xung đột giữa các tầng lớp nhân dân, an ninh chính trị không được bảo đảm; chủ quyền quốc gia dễ bị xâm lấn và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nội chiến, ngoại xâm. Nếu duy trì phổ biến sở hữu tư nhân đối với đất đai cũng sẽ dẫn đến hiện trạng người có nhiều tiền thu gom đất đai và chỉ sử dụng đất vì mục đích cá nhân như làm trang trại để nghỉ ngơi, giải trí, cho thuê nhằm kiếm lời. Đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận nông dân đói nghèo vì không có đất sản xuất. Chúng ta không bao giờ lại muốn: Làm cách mạng bao nhiêu năm để rồi đưa người nông dân Việt Nam trở về chế độ nông nô - địa chủ như trước kia. Phải tạo cơ chế công bằng ngay từ gốc, tức là người lao động phải có tư liệu sản xuất, trong đó có đất đai, để lao động mưu sinh. Sở hữu tư nhân đất đai sẽ làm cho người nghèo mất đất, và khi không có tư liệu sản xuất, người nghèo có thoát nghèo được không?

Việc thời gian qua, ở hầu hết các địa phương trong cả nước, tỷ lệ khiếu kiện về đất đai chiếm cao, gây bức xúc, mất ổn định nếu suy xét thật thấu đáo thì nguyên nhân chính vẫn do thực hiện không nghiêm túc các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 2003, nếu tiếp tục khẳng định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai thì Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung lần này cũng phải quy định rõ ràng và cụ thể trong Hiến pháp, trong Luật Đất đai về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cá nhân người có thẩm quyền và người dân về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa, công khai hóa cơ chế quản lý, sử dụng đất đai; siết chặt kỷ luật và trách nhiệm thừa hành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Nên chuyển giao cho người dân những quyền mà người sử dụng đất thực thi có lợi hơn cơ quan nhà nước; ngăn chặn ngay việc thu hồi đất một cách tùy tiện của cơ quan nhà nước cho các mục đích gọi là dự án phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho "nhóm lợi ích" nào đó, làm bần cùng hóa nhiều người dân, khi họ không còn đất sản xuất.

Cần phải coi giá trị quyền sử dụng đất là một thứ hàng hóa đặc biệt. Giá đất thu hồi phải tính đến sự phân chia địa tô chênh lệch trong xã hội mà Nhà nước là đại diện, giữa người có đất bị thu hồi và người nhận đất sử dụng cho mục đích mới. Nhà nước cũng phải chú trọng hơn và coi việc xây dựng hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là giải pháp, công cụ quản lý vì lợi ích quốc gia, bảo đảm các quy định của Luật Đất đai khi thực thi mang lại hiệu quả…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.