(HNM) - Điểm công nghiệp làng nghề thuộc khu Cánh Gà I, xã Sơn Đồng (Hoài Đức) hình thành và đi vào hoạt động đã gần 10 năm, song do vi phạm trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai nên nhiều bất cập đã xảy ra, kéo theo những khó khăn không dễ giải quyết…
Hơn 1.000m2 ruộng canh tác của 3 hộ nằm lọt giữa khu nhà, xưởng sản xuất tại điểm công nghiệp làng nghề khu Cánh Gà I.
Phải đi qua một khoảng sân khá rộng của xưởng sản xuất cơ khí ở điểm công nghiệp làng nghề khu Cánh Gà I, một người dân ở thôn Trại Xa mới dẫn chúng tôi vào được khoảnh ruộng của gia đình đang nằm lọt giữa các dãy nhà, xưởng. Chỉ vào đám ruộng giờ đã thành nơi cho cỏ dại mọc, người dân ấy bất bình: Từ khi diện tích đất nông nghiệp ở đây được quy hoạch làm điểm công nghiệp, nhiều thửa ruộng đã không thể canh tác vì không có lối vào và bị ô nhiễm do nước thải, chất thải của các cơ sở sản xuất liền kề... Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm, chưa giải quyết dứt điểm, trở thành nỗi bức xúc của những người còn ruộng canh tác ở khu vực này.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết khu vực này trước đây là đất nông nghiệp, được địa phương giao cho các nông hộ sản xuất nông nghiệp ổn định. Đầu những năm 2000, xã Sơn Đồng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giai đoạn từ 2001-2010, trong đó quy hoạch điểm công nghiệp sản xuất kinh doanh làng nghề rộng 2ha ở khu Cánh Gà I. Ngày 23-10-2002, điểm công nghiệp làng nghề Sơn Đồng đã được UBND huyện Hoài Đức phê duyệt tại Quyết định 1768/QĐ-UBND nhưng chưa ra quyết định thu hồi đất để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù vậy, một số hộ dân vẫn đứng ra tự mua gom đất nông nghiệp, sau đó lập dự án mở xưởng sản xuất, làm đơn xin thuê đất, chuyển mục đích sử dụng và đã được UBND huyện Hoài Đức đồng ý với thời hạn thuê 30 năm (!). Vì việc mua gom đất nông nghiệp do các bên tự thỏa thuận, xây dựng nhà xưởng khi chưa có quy hoạch nên điểm công nghiệp sản xuất làng nghề này rơi vào tình trạng "xôi đỗ" bởi có thửa ruộng đã thành xưởng sản xuất, có thửa vẫn là ruộng canh tác. Hiện trong 2ha đất nông nghiệp quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề có 1,4ha đã được các bên tự chuyển nhượng, mở xưởng sản xuất; còn 0,6ha vẫn là ruộng đang canh tác của 20 hộ dân, trong đó có 3 hộ với diện tích hơn 1.000m2 nằm lọt giữa khu nhà xưởng sản xuất. Chưa kể, 9 hộ có ruộng tại khu vực này đã xây dựng nhà cấp 4, lều lán... Do việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn về tưới tiêu, đường nội đồng không có nên 15/20 hộ đã làm đơn, xin cấp thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng, song đến nay chưa được chấp thuận. Một số hộ dân đã đề nghị UBND xã Sơn Đồng phải quy hoạch, đắp đường vào ruộng để các hộ có điều kiện canh tác, song điều này không thể triển khai nếu cấp thẩm quyền không lập quy hoạch chi tiết. Ông Nguyễn Văn Thông, cán bộ địa chính xã Sơn Đồng cho biết: Từ năm 2005, UBND xã đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý đối với diện tích ruộng nằm lọt giữa các nhà xưởng sản xuất của một số hộ như đổi vị trí canh tác, tạm thời giao lại diện tích ruộng cho UBND xã để UBND xã cho người khác thuê lại hoặc các hộ lập dự án để chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhưng các hộ không chấp thuận, đặc biệt là 3 hộ có ruộng nằm giữa khu nhà xưởng…
Ngày 4-6-2012, UBND thành phố Hà Nội đã ra Thông báo số 139/TB-UBND, đưa ra một số yêu cầu đối với UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Sơn Đồng và những hộ thuê đất tại khu Cánh Gà I: xem xét sai phạm của cán bộ xã Sơn Đồng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng; UBND xã Sơn Đồng phải bảo đảm để người dân còn ruộng vẫn sản xuất được, đồng thời phải kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động trực tiếp từ việc sản xuất, kinh doanh của các hộ ở khu Cánh Gà I để có phương án hỗ trợ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cho những hộ còn ruộng tại khu Cánh Gà I… Về việc thực hiện những yêu cầu này, ông Lương Ngọc Toàn, Chánh Thanh tra huyện Hoài Đức cho biết: Sau khi UBND thành phố có thông báo, huyện Hoài Đức đã ra văn bản đôn đốc, chỉ đạo xã Sơn Đồng thực hiện; đồng thời cán bộ thanh tra huyện đã về địa phương, họp bàn với lãnh đạo xã tìm biện pháp triển khai thực hiện; còn việc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân cán bộ địa phương có liên quan đã tiến hành xong từ năm 2008.
Thực trạng trên cho thấy, điểm mấu chốt để xử lý những tồn tại ở xã Sơn Đồng hiện tại là sớm hoàn thiện việc lập quy hoạch chi tiết để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật điểm công nghiệp làng nghề khu Cánh Gà I. Việc này khó có thể hoàn thiện trong một thời gian ngắn nên đòi hỏi UBND huyện Hoài Đức phải có sự quan tâm, chỉ đạo các bộ phận chức năng vào cuộc thật quyết liệt, khẩn trương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.