(HNMO) - Sáng 17-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Đề xuất bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu
Trình bày dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự án Luật gồm 100 điều (giảm 3 điều so với luật hiện hành) và giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như luật hiện hành; sửa đổi, điều chỉnh 79 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng luật.
Một số nội dung đáng chú ý của Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) là sửa đổi, bổ sung về danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”, thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện; đổi tên danh hiệu thi đua “gia đình văn hóa”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa” thành “gia đình tiêu biểu”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”.
Dự thảo luật đã bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng cho lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dự án luật cũng bổ sung quy định đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động các hạng.
Đồng thời, bổ sung hình thức “truy tặng” đối với danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để phù hợp với Luật di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Về cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng, dự thảo luật quy định giảm số lượng hồ sơ từ 3 bộ đối với hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và 2 bộ đối với hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xuống chỉ còn 1 bộ (bản chính) được gửi về cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương để thẩm định và lưu trữ...
Báo cáo thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về thi đua, khen thưởng đối với khu vực ngoài nhà nước để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo đảm “tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án luật. Nguyên nhân do chưa phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị cần “giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước”; chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được...
Chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất
Phát biểu gợi mở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi luật này phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác thi đua yêu nước, thi đua khen thưởng, trong đó làm sao hướng nhiều hơn đến cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, quan tâm khen thưởng vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo.
“Cần khắc phục tính hình thức trong công tác thi đua khen thưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục chuyện “chạy thi đua”, “chạy khen thưởng“. Thậm chí có trường hợp vừa phong anh hùng xong đã phải xử lý rồi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, đồng chí Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc sửa luật cần phải làm sao để khắc phục được tình trạng khen thưởng kiểu "gối đầu" khi hiện nay có tình trạng tích lũy để khen. Tổ chức định hướng thành tích cá nhân, thậm chí là nhường nhịn nhau trong khen thưởng.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu việc sửa đổi luật cần phải khắc phục được tình trạng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đặt ra các danh hiệu này, danh hiệu kia, dẫn đến tình trạng "muốn có danh hiệu gì đó thì đóng tiền là có”.
Về khen thưởng người tốt việc tốt, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao mô hình khen thưởng “Công dân Thủ đô ưu tú” của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, chưa có khung pháp lý nhất quán để tổ chức nhân rộng mô hình mà mỗi địa phương hiện đang thực hiện theo hình thức khác nhau.
Thảo luận về dự thảo luật, nhiều ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến công tác thi đua, khen thưởng cho đại biểu dân cử. Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần bổ sung quy định rõ thẩm quyền và hình thức khen thưởng đối với đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu Quốc hội và HĐND chuyên trách.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện đang đứng ngoài các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng. Do đó, các Ủy ban của Quốc hội có thể lập Hội đồng, tổ chức phong trào thi đua như các bộ.
“Đại biểu Quốc hội cũng là công chức, viên chức, cũng làm ngày 8 tiếng thì cũng có thể phát động phong trào thi đua. Nếu nhân sự các Ủy ban của Quốc hội ít thì có thể tổ chức chung các phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xem xét khen thưởng dưới hình thức “Huy chương người đại biểu nhân dân” trên cơ sở cống hiến theo niên hạn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu thấu đáo các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, xin ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dự thảo luật; trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để nghiên cứu, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.