(HNM) - Sau hơn hai năm triển khai cuộc vận động (CVĐ)
Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành tạo ra sức mạnh tổng hợp để CVĐ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đạt hiệu quả cao. Ảnh: Minh Hải
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, CVĐ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. CVĐ đã nhận được sự hưởng ứng của nhà sản xuất và NTD. Đó chính là sự thể hiện lòng yêu nước bằng hành động và hình thành văn hóa tiêu dùng. Để CVĐ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, các ngành liên quan phải coi CVĐ là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp...
Theo Bộ Công thương, việc thực hiện CVĐ trong năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, với đóng góp không nhỏ vào việc nâng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng 24,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, ý thức của DN, NTD về sản xuất và sử dụng hàng Việt có nhiều thay đổi. Khảo sát mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, hơn 80% người dân Hà Nội và 90% người dân TP Hồ Chí Minh đã quan tâm đến sản phẩm do DN nội sản xuất. Từ thực tế đó, nhiều DN trước đây sản xuất hàng hóa chỉ để xuất khẩu nay đã có ý thức đi bằng cả "hai chân" là vừa xuất khẩu, vừa phát triển thị trường nội địa. Hệ thống phân phối hàng hóa không chỉ có mặt tại các trung tâm thương mại của thành phố lớn, siêu thị bình dân, mà còn có mặt tại các chợ truyền thống ở nông thôn. Riêng ở Hà Nội, năm qua và 3 tháng đầu năm nay Ban Chỉ đạo (BCĐ) CVĐ đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với NTD, trong đó tổ chức được gần 60 điểm bán hàng giảm giá với sự tham gia của hơn 20 DN. Ngoài ra, trong tháng 3-2012, Hà Nội tiếp tục triển khai "Tuần bán hàng vì NTD" và nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tập trung ở các huyện ngoại thành, một số khu công nghiệp. Các DN tham gia có hiệu quả chương trình này gồm Tổng Công ty Thương mại Hà Nội; các trung tâm thương mại, siêu thị như Pico, BigC... Công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm chất lượng, giá hàng hóa bán ra thị trường cũng được tăng cường để NTD yên tâm khi sử dụng. Đặc biệt, một điều đáng nói là nếu như trước đây sản phẩm công nghệ cao chủ yếu sử dụng của DN "ngoại", thì nay qua CVĐ này, đã có cả trăm sản phẩm công nghệ cao do các DN nội sản xuất chiếm lĩnh thị trường và được NTD chấp nhận. Cũng qua CVĐ này các DN sản xuất công nghệ cao trong nước tự tin hơn khi cho ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá phù hợp.
Tuy nhiên, cùng những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai CVĐ vẫn gặp không ít khó khăn, các cấp cơ sở vẫn chưa quyết liệt, nhiều địa phương còn tình trạng "canh chung không ai bỏ muối" và điều này sẽ cản trở sự lan tỏa của CVĐ. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, hàng Việt được NTD ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đón nhận, nhưng vẫn trong tình trạng "gặp chăng hay chớ" là do cơ sở hạ tầng ở các khu vực này còn hạn chế. Vì thế, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia tích cực hơn vào CVĐ, ngành chức năng cần tăng cường chống gian lận thương mại. Có như vậy mới bảo đảm sản phẩm của các DN nội cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Hiện nay, có không ít sản phẩm không rõ nguồn gốc của các nước láng giềng đã tràn vào nước ta, đe dọa sự sống còn của các DN sản xuất chân chính, làm nguy hại đến quyền lợi của NTD. Nếu không giải quyết có hiệu quả tình trạng này, các DN nội sẽ không dám đầu tư sản xuất. Mặt khác, trên thực tế, CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" có thành công hay không, quyết định phần lớn vẫn thuộc về NTD, bởi "tiền của NTD, quyền của NTD". Vì thế, trong công tác tuyên truyền CVĐ đến NTD cần phải làm cho họ hiểu được ý nghĩa của CVĐ này. Như vậy, để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" lan tỏa sâu rộng, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan, từ đó sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm đạt hiệu quả cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.