Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần hướng tới sự thuận tiện trong sử dụng

Đà Đông| 13/02/2014 06:53

(HNM) - Với những nội dung liên quan trực tiếp người dân và nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, Dự án Luật Căn cước công dân dù đang trong tiến trình lấy ý kiến nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Bộ Công an được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Luật Căn cước công dân, dự kiến sẽ được trình thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII. Cuối tháng 1-2014, Bộ Công an đã có tờ trình gửi đến Chính phủ xem xét về dự án luật này. Đây là một dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến công dân và nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước công dân, phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2014, Chính phủ đã nghe báo cáo và cho ý kiến vào dự thảo luật. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung của dự luật. Đối với những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau như đổi tên, thẩm quyền, quản lý căn cước, Chính phủ đã gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

Về tên gọi của giấy chứng minh nhân dân, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, có 20 thành viên Chính phủ đồng ý phương án 1: Quy định chứng minh nhân dân là thẻ căn cước của công dân Việt Nam, là giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, là chứng nhận căn cước để người dân sử dụng trong giao dịch, đi lại trong lãnh thổ Việt Nam. Có 4 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 2: Đổi tên chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước công dân.

Có nên đổi tên "chứng minh nhân dân" thành "căn cước công dân" và đề nghị làm rõ hai khái niệm này là nội dung nhận được nhiều người góp ý trong quá trình xây dựng luật. Phần lớn các ý kiến nghiêng về quy định chứng minh nhân dân là thẻ căn cước của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi thẩm tra tờ trình của Bộ Công an về đề nghị đổi tên chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước công dân, Bộ Tư pháp cho rằng là hợp lý, bảo đảm tính thống nhất giữa tên gọi của loại giấy tờ tùy thân này với tên gọi của dự án luật. Để bảo vệ quan điểm của mình, đại diện Bộ Tư pháp dẫn chứng, tại dự luật đã có quy định về điều khoản chuyển tiếp để vẫn bảo đảm tính pháp lý của hệ thống chứng minh nhân dân đã cấp và bảo đảm nội dung phù hợp với thẻ căn cước công dân sau này. Một nội dung quan trọng khác liên quan đến thẩm quyền cấp, quản lý thẻ căn cước công dân cũng được đưa ra lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, đa số thành viên Chính phủ đồng tình phương án giao cho Bộ Công an bởi đây là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về căn cước công dân.

Thẻ căn cước công dân là căn cứ pháp lý quan trọng để chứng minh một con người có quốc tịch của một đất nước, qua đó để người dân thực hiện các quyền của mình, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao dịch của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là cơ sở bảo đảm cho Nhà nước trong công tác quản lý xã hội và phòng chống tội phạm. Nằm trong Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ về dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều người kỳ vọng khi được thông qua dự án luật sẽ khắc phục được những rườm rà, hạn chế, lạc hậu trong công tác này hiện nay. Tuy nhiên, do đây là dự án luật liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới công dân, vì vậy trong quá trình triển khai xây dựng cần những bước đi kỹ lưỡng, theo tiêu chí minh bạch, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện, đặc biệt là đối với những vấn đề đang còn nhiều tranh luận.

Gồm 5 chương và 33 điều, Dự thảo Luật Căn cước công dân quy định về căn cước công dân và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến căn cước công dân; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn Quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hướng tới sự thuận tiện trong sử dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.