(HNM) - Có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế nhưng đời sống của một bộ phận không nhỏ công nhân, lao động (CNLĐ), nhất là những người đang làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất (KCNCX) còn gặp nhiều khó khăn. Để phát huy hơn nữa vai trò của giai cấp công nhân trong tình hình mới, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Ảnh: Bảo Đan |
Đời sống công nhân còn nhiều khó khăn
Mặc dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhưng nhìn chung, đời sống của CNLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện pháp luật lao động và chế độ chính sách đối với NLĐ của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc. Chẳng hạn, theo khảo sát, dù Hà Nội đã có chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp và thí điểm xây dựng khu nhà ở cho công nhân tại các KCNCX, nhưng mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu. Bên cạnh đó, còn thiếu các công trình phúc lợi như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà văn hóa, khu thể thao...
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, hiện tại, trong các KCNCX Hà Nội, mới chỉ có 3 KCN có nhà ở cho công nhân, đó là: KCN Thăng Long, được đầu tư xây dựng 28 đơn nguyên, cung cấp khoảng 11.500 chỗ ở; KCN Thạch Thất - Quốc Oai, có 280 phòng cho 2.240 CNLĐ; KCN Phú Nghĩa, có 106 phòng, đáp ứng 800 chỗ ở. Như vậy, chỉ có 1/9 KCNCX trên địa bàn Hà Nội đã đi vào hoạt động được đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng ngân sách. Con số này là quá nhỏ. Đặc biệt, các công trình hạ tầng xã hội như nhà trẻ, mẫu giáo, khu thể thao, dịch vụ y tế… còn thiếu. Hiện mới chỉ có duy nhất KCN Thăng Long được thành phố đầu tư xây dựng trường mầm non đáp ứng 230 cháu và một cơ sở tư nhân đáp ứng 160 cháu. Một khó khăn nữa cho CNLĐ tại KCNCX là do không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nên không đủ điều kiện gửi con, hoặc đăng ký vào trường công lập, phải gửi con tại các trường tư, thu nhập thấp còn phải trả phí cao cho giáo dục.
Vợ chồng anh Nguyễn Đức Vinh và Trần Thị Bích (công nhân Công ty Hoya Việt Nam) chia sẻ, trước đây hai vợ chồng phải thuê nhà ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh), mùa đông thì ẩm thấp, mùa hè thì nóng, trẻ con đi học cũng bất tiện và chi phí cao. Từ tháng 3-2015, được thuê nhà trong KCN Thăng Long, đời sống gia đình nâng lên rõ rệt vì đi làm gần, có nhà mẫu giáo gửi con. Nhưng may mắn như vợ chồng anh Vinh không phải là nhiều, còn hàng vạn CNLĐ vẫn đang thuê trọ ở ngoài, điều kiện sống khó khăn. Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, các nghiên cứu mới đây của Viện cho thấy, lương của công nhân mới chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Để có đủ tiền chi tiêu cho gia đình, nuôi con, công nhân phải xin làm thêm, tăng ca 10-12 giờ/ngày, khiến sức khỏe giảm sút, không quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ.
Quan tâm, chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần
Trong thời gian qua, các cấp Công đoàn đã tích cực phối hợp cùng các cấp chính quyền, các ngành chức năng và chủ sử dụng lao động tìm giải pháp hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ với nhiều mô hình hoạt động ra đời. Toàn thành phố đã có 26 điểm sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ. Các điểm sinh hoạt văn hóa được trang bị tủ sách, phòng đọc, phục vụ miễn phí báo... Công đoàn cũng phối hợp xây dựng nhà văn hóa đa năng, phòng đọc sách báo, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật, văn hóa văn nghệ, TDTT như đại hội TDTT, hội khỏe, hội thi tiếng hát CNVCLĐ, chiếu phim miễn phí, chương trình "Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát", "Tết sum vầy"… Tuy nhiên, những hoạt động này còn ít, chưa thu hút được nhiều người tham gia và nhiều mô hình không nhân rộng được do thiếu nguồn lực thực hiện.
Tại chuyến thăm CNLĐ đang làm việc ở KCN Thăng Long tháng 3-2016 của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, LĐLĐ TP Hà Nội đã kiến nghị với Thành ủy, UBND thành phố có chính sách ưu đãi hơn để người lao động có thu nhập thấp có thể thuê hoặc mua nhà ở và sớm có quy định mức giá thuê cho từng KCNCX; chỉ đạo thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCNCX đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lãnh đạo UBND thành phố cũng khẳng định, thành phố rất quan tâm đến đời sống CNLĐ; riêng ở KCN Thăng Long thành phố dành 20ha xây dựng nhà ở và các hạ tầng xã hội đồng bộ. Trước đây chỉ các hộ đơn thân thuê nhà, nay các hộ gia đình cũng đã được thuê nhà. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thành phố cũng thừa nhận, mới chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức nhỏ. Về các kiến nghị của LĐLĐ thành phố, hiện UBND thành phố đang chỉ đạo các ngành chức năng xúc tiến triển khai tích cực.
Để bảo đảm đời sống cho CNLĐ trong giai đoạn tới đây, sẽ cần nhiều nguồn lực để thực hiện mà nếu chỉ trông chờ vào ngân sách sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, rất cần hành lang pháp lý đầy đủ quy định về các chính sách, chế độ lương, phụ cấp, các loại bảo hiểm gắn với chế tài bảo đảm để chủ sử dụng lao động phải nghiêm túc thực hiện. Công đoàn các cấp phải phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại các doanh nghiệp, nhất là việc xây dựng quy chế phân phối tiền lương, thưởng của doanh nghiệp, bảo đảm thống nhất quyền lợi giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Nhà nước cũng cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, nhất là tại các KCNCX, trong đó có sự đóng góp của doanh nghiệp, nguồn xã hội hóa, đầu tư từ ngân sách…
Thăm và tặng quà một số gia đình, gặp gỡ, tìm hiểu đời sống các công nhân tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội có 14 vạn công nhân làm việc tại các KCNCX và thành phố đã có kế hoạch sẽ xây dựng, bố trí đáp ứng được tối thiểu 50% nhu cầu chỗ ở cho lực lượng lao động này. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; bảo đảm an toàn lao động; thực hiện tốt chương trình bình ổn giá; thực hiện chế độ tiền lương, thu nhập và bảo hiểm của người lao động theo quy định của pháp luật… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.