(HNM) - Bộ GTVT vừa có Tờ trình Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông do TƯ quản lý tại vùng giai đoạn 2011-2020 là hơn 681 nghìn tỷ đồng, trong đó đường bộ cần hơn 326 nghìn tỷ đồng, đường sắt hơn 168 nghìn tỷ đồng, đường biển hơn 88 nghìn tỷ đồng… Các công trình góp phần giải quyết ùn tắc, kết nối đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông được xác định ưu tiên đầu tư gồm: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành và Dầu Giây - Phan Thiết có quy mô từ 4 đến 8 làn xe. Bên cạnh đó là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Đà Lạt, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, đường liên cảng và nâng cấp quốc lộ hiện có.
Về đường sắt, đến năm 2015 sẽ nghiên cứu nâng cấp tuyến Trảng Bom - Bình Triệu theo hướng cải tạo tuyến và xây dựng trên cao nhằm tránh ùn tắc trong đô thị theo quy mô đường đôi khổ 1,435m, xây dựng đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt nối vào cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh.
Về đường biển, xây dựng, nâng cấp công suất cảng Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải, Tân Cảng - Cái Mép; mở rộng luồng tàu đến một số cảng như Cái Mép, Thị Vải, Hiệp Phước.
Về hàng không, xây dựng sân bay Long Thành với 2 đường cất - hạ cánh, nhà ga để hỗ trợ Tân Sơn Nhất khi quá tải. Theo Bộ GTVT, các dự án ưu tiên đến năm 2015 nói trên cần khoảng 287 nghìn tỷ đồng đầu tư, trung bình mỗi năm hơn 57 nghìn tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.