Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Lâm Vũ| 16/01/2012 06:15

(HNM) - Ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới tính (LGBT) thường gặp sự kỳ thị, khó khăn trong cuộc sống. Không những thế, họ còn phải đối mặt với bạo lực ở tất cả các dạng, bao gồm cả bạo lực thể xác, tinh thần, kinh tế và tình dục.


Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) cho biết, phần lớn LGBT bị bạo lực thể chất bởi chính những người thân của mình. Họ có thể bị đánh đập, trói, xích, bỏ đói, không cho ăn uống, tắm rửa, tuy nhiên, hình thức phổ biến nhất là bạo lực tinh thần. LGBT bị bố mẹ nhốt trong nhà, ngăn cấm gặp bạn bè, người yêu, xâm phạm sự riêng tư bằng cách không cho ở phòng riêng, ép kết hôn. Cũng có trường hợp bố mẹ dọa tự tử để gây sức ép với con, có người ép con điều trị tâm thần.


Đinh Công Khanh và Nguyễn Thái Nguyên, cặp đồng tính đầu tiên được pháp luật thừa nhận hôn thú.

Một nữ LGBT, 21 tuổi, ở Hà Nội, bị bố mẹ dẫn ra Hồ Tây, bắt thề cắt đứt quan hệ với bạn gái, nếu không thì người mẹ sẽ nhảy xuống hồ tự tử. Trong thực tế, có khi cha mẹ "tạo điều kiện" để con gái của mình bị cưỡng hiếp, những mong con gái có trải nghiệm tình dục với người khác giới. Hậu quả của những hình thức bạo lực này là con cái có thể mất niềm tin, bị trầm cảm, muốn tự sát, bỏ nhà đi lang thang và dễ sa vào tệ nạn xã hội.

Nhiều người tỏ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với nam giới bán thân xác và thường lên án đối tượng này, dù nghiên cứu của CCIHP về hành vi bạo lực đối với các đồng tính nam ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy nhiều người phải chọn cách bán dâm bởi họ bị đẩy khỏi nhà vì là người đồng tính, không có gì trong tay và buộc phải làm việc này để tồn tại. Đáng lưu tâm là nhiều trường hợp bị bạo lực khi chưa đến 18 tuổi, độ tuổi mà con người chưa thực sự trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần, sự tác động từ tổn thương thường là rất nặng nề, khó hồi phục.

Liên quan đến nguyên nhân LGBT bị bạo lực, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, phản ứng phổ biến của các bậc cha mẹ khá tiêu cực khi biết con mình là đồng tính nữ. Họ hốt hoảng vì không có thông tin, coi đó là bệnh. Họ muốn con mình dứt khoát phải lấy chồng, sinh con thì mới hoàn thành nghĩa vụ của một con người. Theo bà Nguyễn Vân Anh, nguyên nhân của sự phản ứng tiêu cực thường là do thiếu kiến thức. "Khi chúng tôi chiếu bộ phim về người đồng tính, mang tên "Đường nào đi tới biển", có khán giả đã hỏi có người đồng tính ở đây không và nói rằng không thể tưởng tượng được người đồng tính lại trông giống với người bình thường. Do không có thông tin nên họ rất ngạc nhiên khi người đồng tính chính là ai đó trong số người sống xung quanh mình" - bà Vân Anh nói.

Khó giúp đỡ vì thiếu thông tin

Trong thời gian qua, có một số tổ chức đã thực hiện việc tư vấn, giúp đỡ LGBT bị bạo lực, điển hình là CSAGA. Trung tâm cung cấp thông tin, hỗ trợ tâm lý cho người đồng tính nữ và những người liên quan qua hộp thư thoại, qua thư điện tử hoặc tư vấn trực tiếp. Bắt đầu từ năm 2009, tính đến tháng 7-2011, trung tâm đã thực hiện được 593 ca tư vấn và có 1.146 người gọi điện qua hộp thư thoại để nhận thông tin. Phần lớn khách hàng sau khi được tư vấn và cung cấp thông tin đã hiểu rõ hơn về đồng tính nữ, ổn định tâm lý và có những quyết định đúng đắn cho mình. Tuy nhiên, việc giúp đỡ LGBT bị bạo lực đang gặp nhiều khó khăn, do năng lực của đội ngũ tư vấn còn hạn chế và nguồn thông tin hỗ trợ cho công việc của họ còn hạn hẹp.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu trên mạng internet do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường thực hiện với hơn 3.000 người đồng tính nam cho thấy, 32% trong số họ hoàn toàn giữ bí mật về bản thân, 35% gần như là bí mật, 25% lúc bí mật, lúc công khai, chỉ có 5% gần như công khai và 2,5% công khai hoàn toàn. Nguyên nhân của tình trạng không công khai này là do phản ứng tiêu cực từ phía người thân của những LGBT. Theo các nghiên cứu tại Việt Nam, 77% bậc cha mẹ được hỏi cho rằng họ sẽ thất vọng nếu như con cái họ là đồng tính. Chính sự không dám công khai này là một trong số yếu tố cản trở sự giúp đỡ LGBT bị bạo lực.

Để giảm bạo lực cho LGBT, theo bà Hoàng Tú Anh, cần phải có các chương trình hỗ trợ về phòng, chống bạo lực đối với cộng đồng LGBT, đặc biệt là hỗ trợ về pháp lý. Bên cạnh việc cải thiện khung pháp lý để có thể hỗ trợ tốt hơn cho những LGBT bị bạo lực thì việc nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị đối với LGBT của những người làm luật và triển khai thực thi luật là rất quan trọng. Cuối cùng, cần lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực giới và quyền về tình dục vào các chương trình can thiệp liên quan tới bạo lực gia đình, HIV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hoàn thiện khung pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.