(HNM) - Qua hơn hai tháng triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đến nay những quy định về chế độ kinh tế và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tại Điều 54 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn đang còn nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc nên hay không nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước...
Động lực mới
Trên cơ sở sửa đổi 6 điều của Hiến pháp năm 1992, Điều 54 Dự thảo sửa đổi quy định: "1- Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2- Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật". Ghi nhận đây là một điểm mới trong quá trình soạn thảo, đông đảo người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhận định nếu được hiến định, đây sẽ là tiền đề tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế hoạt động và phát triển.
Doanh nghiệp nhà nước hiện đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Ảnh: Phương An |
Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, Dự thảo đã xác định rõ mô hình kinh tế Việt Nam và làm rõ tư tưởng, chiến lược, cương lĩnh của Đảng là các thành phần kinh tế bình đẳng, là những bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế Việt Nam. Đại biểu cho rằng, mỗi thành phần kinh tế có vị trí vai trò nhất định trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong quá trình đó, mỗi giai đoạn 5 năm, 10 năm, vai trò của mỗi thành phần kinh tế có thể thay đổi khác nhau nhưng đều là những bộ phận quan trọng của nền kinh tế nhà nước. Do đó, việc quy định tại Dự thảo Hiến pháp lần này không đi vào chi tiết từng thành phần mà khái quát như vậy là phù hợp.
Cùng chung nhận định, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Việc không hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước khi sửa đổi Hiến pháp chính là động lực mới cho sự thay đổi của nền kinh tế.
Tách bạch kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước
Ngược lại, cũng có nhiều quan điểm đưa ra với mong muốn vai trò kinh tế nhà nước phải được hiến định. Góp ý tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) phân tích, lâu nay chúng ta dường như có sự nhầm lẫn giữa kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Vừa qua, một số doanh nghiệp nhà nước đổ bể nhưng không vì thế mà cho rằng nền kinh tế nhà nước yếu kém. Hiến pháp cần khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước bởi đây là nền kinh tế xương sống, quan trọng của đất nước.
Truyền tải những băn khoăn của cử tri khi bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không còn quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đại biểu Lê Minh Trọng (đoàn Tây Ninh) góp ý, trong quá trình phát triển không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nước khác vẫn cần đến vai trò của kinh tế nhà nước. Hiến pháp cần khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế nhà nước bởi trên thực tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã và đang giữ vai trò rất quan trọng trong các mũi nhọn của kinh tế đất nước, thực hiện các công trình trọng điểm về an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm an sinh xã hội.
Còn tại hội nghị lấy ý kiến do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai đề nghị, thời điểm này không nên thay đổi chủ trương kinh tế nhà nước là chủ đạo. Không nên chỉ nhìn vào Vinashin, Vinalines, nhìn vào những hạn chế của một vài tập đoàn để kết luận về kinh tế nhà nước mà cần xem xét thêm.
Việc hiến định hay không vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước luôn là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Ngay trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ. Trên thực tế, các thành phần kinh tế không tồn tại một cách biệt lập, mà có mối quan hệ và tác động qua lại, đan xen. Mỗi thành phần kinh tế có bản chất và những quy luật hoạt động riêng. Thiết nghĩ, vấn đề cốt lõi không đơn giản là xóa bỏ hay ưu tiên thành phần kinh tế này hay thành phần kinh tế khác, mà quan trọng hơn là cần làm thế nào để phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của mọi thành phần kinh tế nhằm góp phần xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.