(HNM) - Mở cửa khai trương từ năm 1901, Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội được mệnh danh là "Quý bà" đáng kính của ngành công nghiệp khách sạn tại Việt Nam và là một trong những khách sạn chuẩn mực của châu Á. Mới đây, người ta tình cờ tìm thấy một chai rượu cũ cùng những chiếc bóng đèn còn nguyên vẹn trong căn hầm ngập nước...
Tình cờ chạm tay vào lịch sử
Tòa nhà Metropole Wing của Khách sạn mang đậm dấu ấn lịch sư, là nơi có các phòng suite hạng sang mang tên những nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã từng nghỉ tại đây như Charlie Charplin (Vua hề Charlot), Somerset Maugham (đại văn hào người Anh) và Graham Greene (tiểu thuyết gia người Mỹ, tác giả cuốn "Một người Mỹ trầm lặng"). Các nhà hàng của Khách sạn bao gồm Nhà hàng Việt Nam Spices Garden - Vườn Hương Vị, Nhà hàng Pháp Le Beaulieu và Nhà hàng Italia Angelina. Le Spa du Metropole khai trương năm 2009, ngay lập tức trở thành một chuẩn mực cho vẻ đẹp tao nhã hoài niệm, rất sang trọng và cũng rất Hà Nội… Chưa nói về những giá trị văn hóa vật thể của Metropole Hà Nội mang lại cho Thủ đô, chỉ bấy nhiêu dòng giới thiệu về khách sạn huyền thoại này trên các báo chí nước ngoài cũng đủ thấy giá trị của công trình kiến trúc này.
Khách sạn Sofitel Metropole đầu thế kỷ XX. |
Tháng 8 vừa qua, để nâng cấp Bamboo Bar, ông Kai Speth Tổng giám đốc khách sạn và Giám đốc Kỹ thuật đã cho khoan một lỗ rộng 1m2 gần khu vực bể bơi, bất ngờ phát hiện một căn hầm rộng chừng 40m2. Ở đây, họ tìm thấy đâu đó trong không gian này còn phảng phất dấu ấn của cuộc chiến tranh đã kết thúc gần bốn thập kỷ qua, gợi lại ký ức về hầm trú ẩn này qua những trận bom hủy diệt của B52 Mỹ mùa đông năm 1972. Sau khi đào sâu hơn hai mét vào lòng đất và khối bê tông cốt thép kiên cố, đội thi công phải khoan qua trần bê tông dày 278mm, từ đây mở ra một hành lang ngập nước, một vài căn phòng và cầu thang dẫn xuống hầm. Rất hào hứng, một người nước ngoài gắn bó lâu năm với Hà Nội bật mí: "Trong cuốn lịch sử khách sạn, chúng tôi có câu chuyện kể về Jane Fonda một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Mỹ (đã tham gia tích cực phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam - PV) đã từng trú ẩn dưới căn hầm này trong thời kỳ bom đạn năm 1972 và cũng tại đây, cô đã sánh vai với một nhạc công guitar người Việt cất cao tiếng hát".
Trải nghiệm thú vị trong lòng đất
Từng xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Life danh tiếng, xuất bản ngày 7 tháng 4 năm 1967, Metropole Hà Nội ngày ấy là một khách sạn nằm trong khu vực chiến tranh. Tạp chí Life lúc đó cho đăng hình ảnh một dãy hầm cá nhân sâu tới một mét rưỡi, ngay trên vỉa hè phía ngoài khách sạn, nay chính là quán cà phê La Terrasse mặt phố Lê Phụng Hiểu. Những hầm cá nhân không thông với căn hầm trú ẩn của khách sạn, đã tái hiện một phần cuộc sống của người dân thành phố trong thời gian bị máy bay Mỹ oanh tạc. Giờ đây, khi hầm trú ẩn được tìm ra, những thắc mắc về nó ngày càng nhiều hơn bao giờ hết. Ví dụ, ai là Bob Devereaux, người đã viết tên mình trên bức tường xi măng dưới căn hầm này ngày 17-8-1975? Và đó có phải là ngày căn hầm bị bịt kín hay không?
Đem những câu hỏi này xuống thực tế lòng đất, theo sau, ông Andeas Augustin, một sử gia đương đại, người có nhiệm vụ hoàn thành cuốn sách về những bước thăng trầm của Metropole Hà Nội, PV Hànộimới đã có mặt tại căn hầm mang nhiều giá trị lịch sử này. Lội bì bõm qua những lối đi ngoắt ngéo, còn nhiều bùn nước đọng theo lối kiến trúc dích - dắc của 5 căn phòng dưới tầng hầm, cô nhân viên phụ trách công tác đối ngoại của khách sạn Lê Thị Nhung cũng xăng xái đóng đôi ủng công nhân, trèo 5m thang xuống hầm, cứ dặn đi dặn lại "đoàn thám hiểm": Xin đừng đụng vào cánh cửa gỗ bởi nó đã mục lắm rồi!. Tò mò bởi lời dặn dò có phần hơi quan tâm quá mức này, chúng tôi lội bì bõm qua 3 căn phòng, chiếc cửa gỗ mở ra căn phòng thứ tư có vẻ dựa vững vào bức tường chắc nịch của căn hầm nhưng bản lề thì đã gỉ và mủn ra bất cứ lúc nào. Theo lời của các nhân viên khách sạn, bằng tình yêu sâu lắng và sự cảm phục với Hà Nội, Giám đốc của họ rất muốn gìn giữ tất cả những gì còn lại của căn hầm này như một phần không thể thiếu cho những trải nghiệm thú vị của du khách dừng chân ở đây. Rất tôn trọng quá khứ, bằng việc làm cụ thể của mình, ông Kai Speth đã truyền cho những nhân viên của mình tình yêu và lòng trân trọng những gì đã và đang thuộc về Metropole Hà Nội. Ông đã chỉ đạo phải lưu giữ tất cả những mảng tường mốc thếch, những viên gạch mang giá trị thời gian, cánh cửa gỗ mục nước, chiếc bóng đèn cũ, chai dầu còn gần một nửa cùng chai rượu cũ bám đầy bùn đất… Tất cả đều là những kỷ vật vô giá của khách sạn. "Chúng tôi không rõ rằng liệu các khách sạn khác ở Việt Nam có còn và lưu giữ những căn hầm trú ẩn cho khách và nhân viên như thế không?" - ông Speth thổ lộ.
Trong lúc những thông tin về căn hầm còn mờ mịt, thật may mắn, bằng nỗ lực của mình phía Khách sạn Metropole Hà Nội đã tìm được nhiều nhân chứng sống từng biết đến căn hầm bí ẩn này. Ông Nguyễn Văn Vinh, phóng viên Hãng tin Reuters thường trú tại Việt Nam, khi chui xuống căn hầm ngầm cùng PV Báo Hànộimới đã kể lại câu chuyện thú vị này. Ông Nguyễn Văn Vinh, từng làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam những năm 1970 đã kể lại, Khách sạn Metropole năm đó còn mang tên Khách sạn Thống Nhất, là nơi thường trú của phóng viên nhiều tờ báo quốc tế, trong đó có Báo Akahata (Đảng Cộng sản Nhật Bản), Báo L'Humanite (Đảng Cộng sản Pháp), Đài Truyền hình Việt Nam… Từ phòng 25 đến phòng 39 của khách sạn được dành riêng làm văn phòng của ủy ban liên lạc văn hóa nước ngoài.
Cũng vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, trong chuyến đi không thể quên tới Hà Nội những ngày tháng ác liệt của bom đạn đó, nữ diễn viên xinh đẹp người Mỹ - Jane Fonda, đã tới thăm trận địa pháo cao xạ, đội lên đầu chiếc mũ sắt, ngồi lên mâm pháo... hát vang những bài hát ngợi ca hòa bình, tố cáo tội ác chiến tranh. Những ngày tháng ở Hà Nội, người bạn Mỹ này đã lưu lại Khách sạn Thống Nhất (Metropole Hà Nội ngày nay).
Nhân chứng Nguyễn Văn Vinh kể lại câu chuyện dưới căn hầm cho một người bạn nước ngoài. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.