(HNM) - Hiện nay, cơ bản diện tích rau an toàn (RAT) của thành phố do 37 HTX sản xuất và đứng ra tiêu thụ, trong đó chỉ có vài HTX được cấp giấy chứng nhận sản xuất RAT. Có một nghịch lý là nhu cầu tiêu thụ rau ngày càng tăng nhưng các HTX sản xuất RAT vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường, diện tích sản xuất RAT tăng chậm.
Bài toán phát triển HTX trong vùng trồng RAT càng trở nên khó khăn hơn khi các "nhà" vẫn chưa thực sự vào cuộc. Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư (Gia Lâm) cho biết: "Hiện việc tiêu thụ RAT chỉ mang tính nhỏ lẻ do các HTX không chủ động được cả số lượng lẫn chất lượng. Cái khó của nhiều HTX hiện nay là chưa được trang bị kỹ năng tìm hiểu, tiếp cận thị trường, hạch toán kinh doanh. Các HTX vẫn phải loay hoay tìm lối ra cho sản phẩm vì không cạnh tranh được với các loại rau trên thị trường cả về mẫu mã lẫn giá thành". Thực tế, việc tìm chỗ đứng cho các HTX sản xuất RAT trên địa bàn thành phố là hành trình gian khổ do vấp phải quá nhiều trở ngại. Không chỉ khó khăn về đất đai, thị trường... mà ngay cả cơ chế cũng còn nhiều bất cập. Bắt đầu xây dựng mô hình sản xuất RAT từ năm 1998 nhưng phải mất 8 năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư mới đăng ký được nhãn hiệu hàng hóa cho 19 loại rau quả của địa phương và năm 2007 mới được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận chính thức.
Những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cần được tháo gỡ.Ảnh: Thái Hiền
Ông Đào Xuân Bích, Nhóm trưởng nhóm sản xuất RAT thôn Bến (xã Đông Xuân - Sóc Sơn) cho biết: “Toàn thôn có 8ha RAT, bắt đầu sản xuất từ năm 2002. Khi mới tham gia tổ sản xuất, xã viên đều hy vọng giá rau bán ra sẽ cao hơn 40-50% rau thường, nhưng quá trình thực hiện, một số DN đã ép giá, không thanh toán theo hợp đồng đã ký nên xã viên đành phải tự tìm nơi tiêu thụ và bán theo giá thị trường, thậm chí nhiều khi RAT còn "ế" vì kém xanh non, hấp dẫn... nên hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn”. Mặc dù đều đã có thâm niên trong sản xuất, kinh doanh RAT từ 10 năm trở lên nhưng đa số các HTX mới chỉ tiêu thụ được khoảng 20% sản phẩm cho xã viên, còn lại xã viên phải tự tìm thị trường tiêu thụ nên hiệu quả thấp. Mặt khác, khâu sơ chế đóng gói sản phẩm RAT cũng đang là vấn đề nan giải đối với nhiều HTX vì không có vốn đầu tư cho khâu xử lý sau thu hoạch trước khi đưa ra thị trường. Các đối tác thu mua hầu như không đầu tư cho các HTX trong khâu sơ chế đóng gói mà chỉ đặt hàng thu mua sản phẩm của các HTX và đem về sơ chế đóng gói bằng nhãn mác riêng của mình.
Vì vậy, RAT của các HTX bị mất đi giá trị đầu ra sản phẩm chỉ vì thiếu khâu xử lý sau thu hoạch.
Theo kinh nghiệm thực tế của ông Trần Đức Vinh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ (Thanh Trì) thì muốn phát triển bền vững các HTX và mở rộng sản xuất RAT trước hết lãnh đạo HTX phải là người có trình độ, hiểu biết về thị trường để nắm thế chủ động trong tổ chức sản xuất và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh RAT... Chính vì thành lập được các tiểu ban, tổ, nhóm sản xuất RAT dưới sự chỉ đạo của các tiểu ban và thực hiện chuyên đề "Duy trì thương hiệu, mở rộng diện tích sản xuất RAT từ 7ha lên 50ha" mà đến nay, xã Yên Mỹ có 427/429 hộ tham gia sản xuất RAT và ký cam kết thực hiện đúng quy trình do ban chỉ đạo xã đề ra. Mặt khác, việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất, bảo quản RAT cũng đặc biệt quan trọng để giúp các HTX đứng vững trên thị trường. Thời gian qua, nhờ được đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà sơ chế, đường bê tông và hệ thống ống dẫn, trạm bơm, các HTX sản xuất RAT của huyện Thanh Trì đã làm tốt các khâu dịch vụ tưới tiêu, người dân cũng phấn khởi, yên tâm đầu tư sản xuất RAT. Hiện nay, toàn huyện có gần 2.000ha trồng rau, màu với 42 HTX. Trong đó có 3 HTX sản xuất RAT với tổng diện tích 116,6ha.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Hà Nội, việc đăng ký thương hiệu, duy trì thương hiệu là điều khó khăn đối với nhiều HTX do điều kiện sản xuất và trình độ quản lý, nhân lực của ban chủ nhiệm HTX RAT còn yếu (phần lớn được chọn từ nông dân sản xuất giỏi). Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường hướng dẫn họ về xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu, xây dựng quy trình sơ chế và sản xuất theo tiêu chuẩn. Mặt khác do diện tích canh tác ở các địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún nên trước mắt, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất RAT; đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, chủ động tưới tiêu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.