(HNM) - Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, khả năng tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội trong dịp Tết là khó xảy ra, bởi vào thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng đã ở mức khá cao. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác là thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp vay 250 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú về vấn đề này.
- Ông dự đoán thế nào về khả năng tăng giá của các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán?
- Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết giá hàng hóa bao giờ cũng tăng. Thậm chí, có năm một số mặt hàng thiết yếu tăng 50-100%. Thị trường hàng hóa Tết phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chính là sức mua và khả năng cung ứng. Theo dự báo của nhiều người, năm nay mức thưởng Tết sẽ tăng nhưng tính trên diện rộng là người lao động bình thường và người hưu trí, mức tăng sẽ không đáng kể. Về mặt nguồn cung ứng hàng hóa, do thời tiết năm nay khá thuận lợi, dịch bệnh không xảy ra trên diện rộng nên khả năng nguồn cung sẽ tốt cho thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng hơn 1 tháng nữa mới đến Tết nên chưa thể nói trước điều gì. Một điểm đáng lưu ý khác nữa mà rất ít người chú ý nhưng lại có sức chi phối thị trường rất lớn là thời tiết. Chẳng hạn, nếu thời tiết nóng thì các sản phẩm giải khát như bia, nước ngọt sẽ được tiêu thụ nhiều, nếu trời lạnh, rượu và thực phẩm sẽ bán chạy. Theo tôi, trong đợt Tết sắp tới, giá cả hàng hóa sẽ tăng nhưng khả năng đột biến là khó xảy ra, bởi vào thời điểm hiện tại giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã ở mức khá cao. Mức tăng phổ biến có thể từ 15% đến 20%.
- Những mặt hàng nào được coi là thiết yếu và có khả năng tăng giá cao, thưa ông?
- Các mặt hàng được coi là thường xuyên có biến động trong dịp Tết là lương thực, thịt gia súc, gia cầm, rau - củ - quả, bánh kẹo, đồ uống… Theo số liệu thống kê của Sở Công thương Hà Nội, trong tháng Tết Canh Dần sắp tới, nhu cầu về lương thực vào khoảng 80.000 tấn, thịt gia súc, gia cầm (lợn, trâu, bò, gà, thủy - hải sản..) khoảng 26.000 tấn, rau - củ - quả khoảng 90.000 tấn… Nếu như không có kế hoạch dự trữ hàng hóa tốt thì khi thiếu hụt nguồn cung ứng, đương nhiên hàng hóa sẽ tăng cao.
- Được biết, UBND thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp vay 250 tỷ đồng với mức lãi suất 0% để mua hàng dự trữ nhằm bình ổn thị trường. Động thái này sẽ tác động như thế nào đến thị trường, thưa ông?
- Mức hỗ trợ này tăng đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, so với mức lưu chuyển hàng hóa trong tháng Tết đạt khoảng 12.000 tỷ đồng thì số tiền hỗ trợ này chưa phải là nhiều. Số tiền hỗ trợ trên chủ yếu thông qua một số doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các siêu thị, song các kênh phân phối hiện đại hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 15% khối lượng hàng hóa lưu chuyển. Mặt khác, hệ thống kênh phân phối hiện đại phần lớn phục vụ cho người có thu nhập cao. Còn lại đại bộ phận dân chúng vẫn sử dụng các kênh phân phối truyền thống như chợ, các cửa hàng bán lẻ. Hà Nội sau khi mở rộng có thêm rất nhiều huyện ngoại thành, thu nhập của người dân tại các khu vực nông thôn chưa cao. Mục tiêu của việc hỗ trợ là góp phần bình ổn giá cả để mọi người dân đều được thụ hưởng một cái Tết đầm ấm, đầy đủ… Để việc hỗ trợ mang lại hiệu quả thì cần phải giải ngân sớm để doanh nghiệp có thể mua hàng dự trữ khi giá chưa tăng; thứ hai, về phía doanh nghiệp, họ phải tung hàng ra đúng thời điểm nóng để góp phần bảo đảm mục tiêu bình ổn thị trường; thứ ba, nên công khai các địa chỉ bán hàng có sự hỗ trợ của thành phố. Quan trọng hơn là tất cả các hoạt động này cần phải được giám sát chặt chẽ, tránh cảnh khi giá hàng hóa lên cao, các đơn vị được hỗ trợ lại "tuồn" hàng ra bên ngoài để thu lợi.
- Cần có những biện pháp gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân trong dịp Tết?
- Biện pháp chủ yếu vẫn là tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa lưu thông tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp sản xuất, giết mổ, chế biến kinh doanh các mặt hàng gia súc, gia cầm, đồ uống… Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 362 chợ, 13 trung tâm thương mại, 74 siêu thị và khoảng 200 cửa hàng kinh doanh theo mô hình cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn. Có thể thấy, thị trường có tổ chức mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nên việc kiểm soát chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là bài toán rất khó. Nó phải bắt đầu từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối…
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.