(HNM) - Mới chỉ có trận mưa hơn 150mm nhưng Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã ngập trên diện rộng, với độ sâu từ 20cm đến 40cm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chung của sân bay và trực tiếp uy hiếp đến an toàn hàng không.
Chắp vá…!
Trước tình trạng mưa lớn gây ngập Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) TSN cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do kênh thoát nước xung quanh sân bay bị người dân lấn chiếm gây tắc nghẽn dòng chảy nên khi mưa to nước bên trong sân bay không thoát được. Ngoài ra, tại hướng thoát nước ở khu vực cửa ngõ từ kênh A41 ra mương Nhật Bản (quận Tân Bình) bị hạn chế, chưa bảo đảm tiêu thoát nước nên mưa xuống các tuyến đường kết nối với sân bay như Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng,… cũng bị ngập.
Theo ông Tú, cơn mưa chiều 26-8 vừa qua tuy chỉ ngập một số vị trí đỗ máy bay nhưng nếu không có giải pháp chống ngập hữu hiệu thì nguy cơ ngập đường băng là rất lớn. Về giải pháp chống ngập, ông Tú cho rằng, trước hết cần giải quyết được việc lấn chiếm làm tắc nghẽn các kênh thoát nước xung quanh sân bay, còn về lâu dài cần xây cống hộp mới giải quyết được ngập. Đồng thời, đơn vị này đang kiến nghị chính quyền TP Hồ Chí Minh thực hiện các công tác cấp bách chống ngập cho sân bay như khơi thông dòng chảy kênh mương, xử lý các trường hợp xâm hại, lấn chiếm hệ thống thoát nước trong khu vực... “Tuần này, Cảng HKQT TSN sẽ làm việc với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố và các quận xung quanh sân bay để nhanh chóng nạo vét các kênh thoát nước, xây dựng các tuyến cống hộp để giải quyết tình trạng ngập”, ông Tú cho biết.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn cấp tìm giải pháp chống ngập cho Sân bay TSN. Cụ thể, tại 6 vị trí có đoạn cống băng ngang đường trên rạch A41 và phương án thoát nước tạm, thành phố giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước cùng Công ty Thoát nước đô thị tiến hành cải tạo, thay thế các đoạn cống thoát nước. Thế nhưng, đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện. Về giải pháp lâu dài, TP Hồ Chí Minh sẽ cân đối vốn để triển khai, lập dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo kênh A41 và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, giúp sân bay thoát ngập. Bên cạnh đó, UBND quận Tân Bình vừa đề xuất UBND thành phố đầu tư thực hiện dự án cải tạo mương Nhật Bản để giải quyết ngập cho sân bay với tổng vốn đầu tư khoảng 360 tỷ đồng.
Trước những giải pháp trên, TS Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị khẳng định, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời và chắp vá, không thể giải quyết bài toán ngập tổng thể cho Sân bay TSN thời gian tới. Việc cần làm là các cơ quan chức năng liên quan cần ngồi lại đưa ra các giải pháp tổng thể và lộ trình rõ ràng để chống ngập thay vì cứ đổ lỗi cho nhau.
Cần bài toán tổng thể
TS Phạm Sanh cho rằng, mới chỉ một trận mưa hơn 150mm mà Sân bay TSN đã bị ngập sâu trên diện rộng là điều khó chấp nhận và đáng báo động, cần được giải quyết triệt để, nhanh chóng. Theo quy hoạch thông lệ về hệ thống thoát nước của các sân bay quốc tế trên thế giới, trước hết sân bay phải được xây dựng ở vị trí cao, có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh và được quy hoạch với tầm nhìn trên 100 năm.
Theo TS Sanh, muốn chống ngập triệt để cho Sân bay TSN, trước hết, cần nhìn lại vấn đề quy hoạch thoát nước từ trước đến nay để có những giải pháp mang tính tổng thể và khoa học. Cụ thể, trước đây, Sân bay TSN rộng trên 2.500ha (trước giải phóng) và được bảo đảm bởi một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Theo đó, trong sân bay có hồ điều tiết nước tại vị trí sân golf bây giờ, trong khi các hướng thoát nước đi theo 2 trục ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát. Thế nhưng, hiện nay Sân bay TSN chỉ hơn 800ha (bằng 1/3 so với trước giải phóng); trong khi, đường Út Tịch và kênh Hy Vọng (hướng thoát nước từ sân bay ra 2 trục kênh của thành phố) bị người dân lấn chiếm nên đã bít hết dòng chảy. “Đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, đồng thời, cần phải mời các chuyên gia có chuyên môn, có kinh nghiệm về quy hoạch chống ngập đô thị đưa ra các giải pháp mang tính thực tiễn và khoa học” - TS Sanh nêu rõ.
Cũng theo ý kiến nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị, để chống ngập cần cập nhật và sửa đổi lại các quy chuẩn, số liệu quy hoạch chống ngập cho đô thị, vốn đã bị lạc hậu so với quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay; đồng thời, giải tỏa dân cư để làm lại các kênh rạch đã bị lấn chiếm; xây dựng hồ điều tiết trong sân bay vừa làm nhiệm vụ dự trữ nước khi có mưa lớn vừa chia sẻ cho hệ thống cống chống ngập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.