(HNMO) - Trao đổi với phóng viên báo Hànộimới ngày 18-6, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà khẳng định, thời gian gần đây, tăng trưởng nông nghiệp đã bắt đầu chững lại, thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản chủ lực suy giảm cả về sản lượng và kim ngạch.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Hà |
- Trong kỳ họp Quốc hội này, vấn đề đầu tư cho nông nghiệp thế nào cho hiệu quả được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm. Cá nhân bà cho rằng ngành nông nghiệp đang gặp những khó khăn gì?
- Những tháng đầu năm năm 2015 tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn so cùng kỳ năm trước, do gặp nhiều khó khăn về thiên tai và thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản chủ lực suy giảm cả về sản lượng và kim ngạch. Tình trạng rớt giá thẳng đứng từ vài chục phần trăm đến hàng chục lần, khiến nông dân không còn màng đến thu hoạch, chịu lỗ nặng hoặc ồ ạt bỏ trồng cây này để đổ xô sang trồng cây khác, lặp lại từ cây khoai lang, đến vải thiều, ớt, dưa hấu, mía và cả những cây xuất khẩu chủ lực như tiêu, điều, cao su, cà phê, ca cao, dừa, bưởi da xanh hay chanh, mít ta và ngay cả một số loại rau an toàn (su hào, cà rốt, cải bắp, rau cải củ cải, thanh long, hành tây và hành tím).
Và như đã thành thông lệ cảnh hàng ngàn xe tải lớn, nhỏ kéo dài vài chục km chở hàng nông sản tươi của Việt Nam bị ứ đọng vì chậm thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh mỗi mùa dưa hấu, thanh long, vải thiều… đã lại diễn ra. Thậm chí, ở tỉnh Lâm Đồng, mới đây, người dân nuôi bò sữa theo hợp đồng bao tiêu với công ty thu mua cũng có lúc phải đắng lòng đổ sữa trước cổng công ty, vì bị trục trặc hợp đồng, không nơi tiêu thụ…
Tôi cho rằng đầu ra khó khăn, thị trường tiêu thụ không ổn định đang và sẽ còn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng, trở thành “điệp khúc buồn” cho nhiều nông sản nước ta.
- Các bất cập trên nếu không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến hệ luỵ gì thưa bà?
-Tình trạng này không chỉ khiến người nông dân lo trồng và lo ế, phải bán vội, bị ép giá, chịu thua thiệt trong bán hàng, mà còn làm giảm khả năng hình thành vùng sản xuất tập trung ổn định, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu quốc gia và giảm sút hiệu quả đầu tư xã hội; đồng thời, làm tăng áp lực an sinh xã hội và tái nghèo vì nợ nần, thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh nông sản của nông dân. Theo Tổng cục Thống kê, thời điểm đến cuối tháng 5/2015, cả nước có 50,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 203,5 nghìn nhân khẩu thiếu đói. So với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói tăng 23,1%; số nhân khẩu thiếu đói tăng 12,4%.
- Có ý kiến cho rằng những khó khăn trong tiêu thụ nông sản có nguyên nhân từ khâu bảo quản sau thu hoạch yếu; thiếu các hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, có tính pháp lý cao. Bà có đồng ý với nhận định này không?
- Không đơn giản là vậy. Những bức xúc về thị trường tiêu thụ nông sản là hội tụ nhiều nguyên nhân. Đó vừa là sự bột phát theo phong trào và thiếu đầu tư đồng bộ, nhất là cho khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch; thiếu các hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, có tính pháp lý cao. Ngoài ra còn là vì tổng cầu nội địa chưa được khai thác và đáp ứng đầy đủ bởi chính nông sản Việt. Như thực tế cho thấy, dưa hấu được thu gom chuyển sang bán buôn qua biên giới vừa gặp khó trong vận chuyển, thông quan, vừa bị cảnh ép giá và phải bán giá rẻ, trong khi nhiều địa phương trên cả nước người tiêu dùng vẫn phải mua lẻ theo giá cao hơn nhiều giá xuất khẩu. Trong khi đó, việc can thiệp bằng giá cả (như mua tạm trữ, định giá sàn) chưa thực sự hiệu quả. Nhiều chính sách khuyến khích tiêu dùng nội địa, xây dựng kho bãi, xây dựng khu chế biến... triển khai còn chậm. Vai trò các hiệp hội ngành hàng và các quan hệ phối hợp giữa các địa phương tạo thuận lợi cho tổ chức tiêu thụ nông sản nội địa còn mờ nhạt. Ở nhiều nước trên thế giới, một số mặt hàng trái cây Việt Nam như thanh long, nhãn, vải, xoài được ưa chuộng, nhưng không có để bán hoặc chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Vì vậy, nông sản Việt dù rẻ, ngon, nhưng vẫn dễ bị thua thiệt so với các hàng tương tự của nước khác bởi yếu thế về hợp đồng tiêu thụ, bất cập về công nghệ bảo quản và vận chuyển, lạc hậu về phương thức phân phối, tiêu thụ, với kiểu bán hàng đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu, không áp phích, poster thông tin, giới thiệu nguồn gốc, chất lượng…
- Theo bà giải pháp cần ưu tiên số một hiện nay để làm giảm tình trạng nông dân bán ế, bán vội nông sản là gì?
-Thực tế cho thấy, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập sâu và đầy đủ trong kinh tế, càng cần có sự chấn chỉnh lại, đổi mới cách nghĩ, cách làm để chủ động hỗ trợ nông nghiệp thiết thực, đồng bộ và hiệu quả hơn; phát triển nông nghiệp bền vững hơn; đồng thời, góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.
Thời gian tới cần chú ý một số điểm sau: Xây dựng và triển khai nhiều hơn các chương trình cho vay ưu đãi phát triển nông nghiệp; hỗ trợ lãi suất tín dụng trong mua trữ, tiêu thụ lúa gạo kịp thời, đủ vốn, đúng đối tượng, đủ thời gian và phù hợp chu kỳ sản xuất... Song song đó, xây dựng và quản lý các quy hoạch cụ thể vùng chuyên canh nông nghiệp với đồng bộ các giải pháp về tài chính, đất đai và công nghệ ; Khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp; Hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ nông sản. Tái cơ cấu nông nghiệp phải lấy người nông dân là trung tâm, là chủ thể và tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học với nhà nông và các hợp tác xã... trong xây dựng thương hiệu nông sản vùng, miền và ngành, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, tập trung các loại nông sản năng suất, chất lượng và có giá trị gia tăng cao. Tăng cường vai trò cũng như sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước; xác định tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại… Đặc biệt là xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản có lượng hàng hóa lớn như gạo, cà phê, tôm, cá… và hoàn thiện chính sách hỗ trợ chế biến, bảo quản và tạm trữ để ổn định giá, chủ động nguồn hàng và kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Cũng cần tập trung nghiên cứu, tính toán, dự báo và thông tin thị trường cũng như các thông tin về chính sách cắt giảm thuế, hàng rào kỹ thuật... sát với thực tế trong nước và khu vực; Mở rộng tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp cách tiếp cận các thị trường mới và tận dụng triệt để ưu đãi thông qua các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.