Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp tăng sức hút

Hiền Thu| 01/06/2020 07:00

(HNM) - Qua gần 3 năm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố đã tuyển chọn được 410 người. Theo đánh giá, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, bảo đảm sự công khai, minh bạch, song quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế, nên chưa thu hút được nhiều cán bộ, công chức tham gia.

Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTƯ ngày 16-1-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về triển khai Đề án, có 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đến nay, đã có 12/14 cơ quan Trung ương tổ chức thi tuyển với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển. 17/22 địa phương đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển. “Những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là thực tiễn rất quan trọng để khẳng định chủ trương nêu trên của Đảng là đúng đắn”, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, đại diện các bộ, địa phương cũng chia sẻ những hạn chế và đề xuất, kiến nghị một số nội dung, giải pháp. Chia sẻ về việc tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thi tuyển 129 vị trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu khẳng định, việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tài năng, có đạo đức. Song, để hiệu quả hơn, việc thi tuyển cần được rút gọn quy trình, kết hợp chặt chẽ việc thi tuyển với việc xây dựng vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị... Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giao thông - Vận tải Đặng Văn Lâm cho rằng, cần khắc phục tâm lý của nhiều người là ngại thi tuyển vì nghĩ nếu không đạt thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín. Việc thành lập hội đồng thi tuyển cũng cần điều chỉnh để tránh lúng túng trong xử lý một số tình huống…

Ngoài ra, việc quy định người đăng ký tham gia thi tuyển nếu không thuộc đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn thì phải được tập thể lãnh đạo của đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử là không khả thi. “Quy định tưởng như “mở” cho những người ở cơ quan khác tham gia thi tuyển, nhưng trên thực tế là “đóng” lại việc tham gia thi tuyển của đối tượng này”, ông Trương Hải Long nói thêm.

Tại Hà Nội, Sở Nội vụ đã xây dựng dự thảo Đề án thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố. Ngày 27-5, tập thể UBND thành phố đã thảo luận về vấn đề này để có thể ban hành đề án vào tháng 6-2020.

Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo về những hạn chế trong công tác này, đồng thời tiếp tục đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, trong đó cần xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu khoảng 50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển. Dự kiến, công tác này sẽ được tổng kết vào quý IV-2022 (sau 5 năm triển khai Đề án).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp tăng sức hút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.