(HNM) - Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu rõ: Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học, công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động xã hội, phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh: Bảo Lâm |
Nghịch lý giữa lực lượng và sự đóng góp
Theo số liệu công bố tại hội thảo khoa học "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế" do Tạp chí Cộng sản và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức mới đây, với dân số hơn 87,8 triệu người (năm 2011), Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực dồi dào. Cụ thể, số lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,39 triệu người; lực lượng lao động trong độ tuổi là 46,48 triệu người. Thế nhưng có nghịch lý, yếu tố lao động chỉ đóng góp dưới 20% vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2001-2010. Nguồn nhân lực của nước ta chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, chưa có những đóng góp đáng kể để tăng năng suất lao động xã hội, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Có nhiều nguyên nhân, do nhận thức, những bất cập trong giáo dục và đào tạo, những hạn chế trong việc xác định mục tiêu và chính sách, giải pháp tương ứng, sự đầu tư còn quá thấp, đặc biệt là hạn chế, bất cập trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài… Đơn cử ở TP Hà Nội, dù đã có nhiều cơ chế trọng dụng nhưng chưa thật sự "hút" được nhiều người tài. Số thủ khoa vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị của TP vẫn còn ít, chưa kể không ít người được tuyển dụng vào làm việc một thời gian lại "dứt áo ra đi".
Với tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao như hiện nay cần những giải pháp đồng bộ cho một trong ba khâu đột phá để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh là: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH, HĐH, hội nhập quốc tế của đất nước.
Coi trọng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý
Tiếp tục công cuộc đổi mới, Đảng ta đã chỉ rõ phải xây dựng đồng bộ 4 loại nhân lực chất lượng cao, bao gồm: Các nhà lãnh đạo, quản lý; các nhà văn hóa, khoa học; các doanh nhân và người lao động. Tại cuộc hội thảo khoa học "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế", nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ cho rằng, cả 4 loại nhân lực chất lượng cao nói trên đều có vai trò quan trọng, nhưng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp chiến lược là quan trọng nhất. Đó là những người đứng đầu các bộ, ban, ngành, cao hơn là cấp TƯ. Vai trò của người đứng đầu trước hết thể hiện ở việc định hướng chính sách đúng, tập hợp được lực lượng, nêu gương và quyết tâm tổ chức đường lối, chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, Việt Nam đang thiếu đội ngũ cán bộ tham mưu, hoạch định chính sách ở tầm chiến lược.
Do vậy, cùng với thực hiện các giải pháp áp dụng cho 4 loại nhân lực chất lượng cao như, phát triển nguồn nhân lực phải dựa trên các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ bản nền giáo dục quốc dân, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo nghề… cần có nhóm giải pháp cho nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý. Theo các ý kiến, việc sử dụng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý phải theo phương châm "đủ hơn thừa". Cần vận dụng bỏ phiếu tín nhiệm một cách đúng đắn để giữ lại những người có đủ tố chất, đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo, quản lý. PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội hiến kế, Việt Nam nên ứng dụng "khung năng lực" vào xây dựng chuẩn và đào tạo đạt chuẩn lãnh đạo khu vực công tại Việt Nam. Trong đó, "khung năng lực" tập trung vào 3 nhóm chính: Tâm (gồm năng lực văn hóa, thái độ, hành vi); Tầm (năng lực dẫn dắt, định hướng) và Tài (gồm năng lực quản trị, thực thi).
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cho rằng, cần nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ, tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân; bảo đảm trang bị đầy đủ kiến thức theo tiêu chuẩn quy định cho công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý... Trong đào tạo, chú trọng trang bị phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức, viên chức. Đặc biệt, muốn khắc phục tình trạng chọn lựa, bố trí cán bộ sai phải xây dựng cơ chế để người dân giám sát và phản biện... Các ý kiến tham góp tại hội thảo sẽ góp phần cung cấp những luận chứng khoa học phục vụ cho Hội nghị TƯ 6 (khóa XI) của Đảng bàn và ra Nghị quyết chuyên đề về giáo dục và khoa học công nghệ sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.