Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp cho lâu dài

Thúy Nga| 14/11/2011 07:10

(HNM) -


Việt Nam không có sa mạc rộng hàng trăm nghìn héc ta như Trung Quốc, Mông Cổ và các nước châu Phi, nhưng diện tích đất bị suy thoái là nguyên nhân làm diện tích đất nông, lâm nghiệp bị thu hẹp. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có 9,43 triệu héc ta đất bị sa mạc hóa, chiếm 28% diện tích đất sản xuất. Đây là lực cản không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 22 triệu người dân nông thôn chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Tình trạng đất sản xuất mất cân bằng dinh dưỡng, độ phì nhiêu thấp, bị ong hóa, mặn hóa, phèn hóa... xảy ra ở nhiều địa phương. Cùng với đó là sự suy giảm của rừng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm nguồn nước, nạn hạn hán hoành hành ở một số nơi, nhất là ở miền Trung, vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, bên cạnh đó là sự cố nứt đất và trượt lở đất xảy ra ngày một nghiêm trọng dẫn tới hằng năm, 1,5% diện tích đất bị xói mòn, không có khả năng sản xuất.


Đầm nuôi hải sản trơ cạn đáy, những hình ảnh không còn lạ tại các cửa biển. Ảnh: Việt Hưng


Miền Trung là khu vực diễn ra quá trình hoang mạc hóa nhanh, phạm vi ảnh hưởng cũng rất rộng do đất đai bị xói mòn, rửa trôi xảy ra hằng năm. Theo kết quả điều tra, nghiên cứu mới đây thì đất của khu vực này có độ phì thấp, phần lớn diện tích là đất dốc (khoảng 80%), tập trung tại địa bàn rừng núi và bán sơn địa như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận... Tại các tỉnh duyên Hải Nam Trung bộ, diện tích đất hoang đồi núi trọc chiếm gần 1,2 triệu héc ta và hơn 60 nghìn héc ta đất đồng bằng (tổng số đất tự nhiên là 3 triệu héc ta) thuộc loại đất khô cằn, xói mòn thoái hóa hoang mạc. Riêng hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình (Bình Thuận) có diện tích đất cát hoang hóa khoảng 35 nghìn héc ta, phân bố trên chiều dài 50km bờ biển. Các đồi cát di động ở đây có diện tích khoảng 5 nghìn héc ta và hiện là nguy cơ suy thoái hàng đầu trong khu vực.

Theo phân tích của các chuyên gia ngành nông nghiệp, do những đặc thù về địa hình, địa chất, thiên tai lũ lụt và hạn hán liên tục hoành hành, việc khai thác tài nguyên biển, phát triển nuôi trồng thủy sản không có sự kiểm soát chặt chẽ...; đặc biệt là tốc độ gia tăng dân số, nhưng khung pháp lý và năng lực bảo vệ còn hạn chế nên việc phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy vẫn diễn ra phức tạp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hoang mạc hóa, làm suy thoái môi trường sinh thái ở các khu vực.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt, hạn hán, lũ lụt xảy ra triền miên tác động lớn đến nông nghiệp, nông thôn, đòi hỏi cần phải đưa ra các giải pháp để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Biện pháp hàng đầu được Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất vẫn là khắc phục tình trạng khai thác bừa bãi rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Bà Phạm Minh Thoa, Văn phòng Ban điều phối quốc gia Chương trình phòng chống sa mạc hóa (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Cần thiết phải quản lý nguồn nước, điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý, tăng mật độ cây xanh, trồng rừng và bảo vệ rừng để làm tăng nguồn nước ngầm, chống xói mòn". Nhiệm vụ các địa phương cần lưu ý là quy hoạch sử dụng đất hợp lý theo hướng bền vững, trên cơ sở nghiên cứu địa lý, sinh thái tổng hợp cho phù hợp với từng vùng để hạn chế tình trạng thoái hóa đất đai.

Nhiều ý kiến cho rằng, sa mạc hóa đất nông, lâm nghiệp có liên quan mật thiết tới đói nghèo và Việt Nam được xếp là một trong những quốc gia có tốc độ hoang mạc hóa tương đối lớn. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan thời gian qua còn lỏng lẻo dẫn đến việc phòng, chống và khắc phục hoang mạc hóa còn chậm và vướng mắc. Cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực dành cho nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống sa mạc hóa còn thiếu, cán bộ đảm nhiệm công việc chủ yếu là kiêm nhiệm. Thậm chí, nước ta còn chưa hoàn thiện được việc điều tra, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng, chống sa mạc hóa ở một số vùng ưu tiên.

Theo Quyết định 204 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa tập trung vào hai nhóm giải pháp cơ bản: nhóm giải pháp kỹ thuật và nhóm giải pháp phi công trình. Nhưng đến nay vẫn còn khá khó khăn vì nguồn ngân sách bố trí chưa đầy đủ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý, ưu tiên công tác bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Nâng cao nhận thức của cộng đồng, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở nghiên cứu phòng chống sa mạc hóa. Nhiệm vụ trước mắt là tiếp tục điều tra, xác định thực trạng sa mạc hóa và đưa ra giải pháp phòng, chống lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp cho lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.