Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần đường dây nóng tập trung và sự phối hợp đồng bộ

Hà Phong| 01/08/2016 08:16

Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền phần nhiều được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, phường. Họ là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Điểm rửa xe F5 không còn công nhân hoạt động, nhưng công trình vi phạm vẫn còn nguyên


Trang thiết bị chỉ để trang trí?

Tại Công văn số 2956/UBND-NC ngày 20-5-2016 về việc xây dựng, hoàn thiện bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các thiết bị và phần mềm "một cửa" điện tử phải thông suốt, tiện lợi, có tính tự động cao và bảo đảm quản lý được toàn bộ hoạt động tiếp nhận, chuyển, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết. Song quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, dù khá nhiều bộ phận "một cửa", nhất là tại các phường khu vực nội thành đã được trang bị nhiều thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng không phải đơn vị nào cũng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố.

Tại bộ phận "một cửa" phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, tại thời điểm Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội đến kiểm tra đột xuất, máy lấy số thứ tự tự động được bố trí nhưng người dân không được hướng dẫn sử dụng, không thể hiện trên hệ thống điện tử; màn hình chứa đựng thông tin thủ tục hành chính cũng không hoạt động. Việc giải quyết các thủ tục hành chính giữa các phòng, ban liên quan, chủ yếu bằng phương pháp thủ công.

Lẽ ra nếu thực hiện "một cửa", cơ quan chính quyền phải công khai các quy định của Nhà nước, công khai cách giải quyết và quy định chặt chẽ về thời gian trả lời công dân. Đây còn là biện pháp để ngăn ngừa hiện tượng nhũng nhiễu. Qua kiểm tra xác suất một số hồ sơ, Đoàn kiểm tra công vụ đột xuất của thành phố phát hiện 3 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có quyết định cấp giấy chứng nhận, nhưng đến thời điểm kiểm tra vẫn chưa trả cho người dân. Đồng thời, kiểm tra 1 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đất có tranh chấp đã hòa giải thành nhưng biên bản hòa giải thành lại chỉ thể hiện trong sổ tiếp dân mà không được lưu trong hồ sơ, cũng không giao cho dân một bản theo quy định…Đây là lỗi của nhiều phòng, ban liên quan nhưng Chủ tịch UBND phường không chỉ rõ được sai phạm đích xác là ở khâu nào.

Tương tự, tại UBND phường Thổ Quan, quận Đống Đa, máy tra cứu hồ sơ (được Sở TT-TT Hà Nội cấp cho đơn vị thực hiện thí điểm) cũng không hoạt động. Cũng vì lý do này, việc xác nhận và quản lý ngày trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của lãnh đạo phường không thể triệt để, chính xác.

Lo nhiều việc…chưa thể giải quyết

Việc trang bị hệ thống máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin là cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, tăng cường sự minh bạch. Tuy nhiên, việc thiết bị có nhưng không hoạt động chỉ là một phần của vấn đề. Điều đáng lưu tâm còn là ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vì nhiều việc cán bộ biết đấy nhưng không hoặc chưa giải quyết.

Theo phản ánh của người dân ở khu chung cư F5 (tổ dân phố 27, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), một số thành viên Ban Quản trị nhà F5 có dấu hiệu hoạt động không thông suốt, có dấu hiệu vi phạm tài chính, điểm rửa xe trái phép tại khuôn viên vỉa hè tòa nhà F5 tồn tại đã trên 5 năm, lấn chiếm lối đi chung, nhưng Ban Quản trị vẫn cố tình cấp điện, nước để duy trì hoạt động, dù người dân phản đối. Còn lực lượng chức năng của phường chỉ xử lý vào dịp ngày lễ, kỷ niệm hoặc sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn. Căn cứ Thông tư số 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, cuối tháng 6-2016, đại diện trên 50% hộ dân đề nghị tổ dân phố 27 có công văn gửi UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy yêu cầu UBND phường đứng ra tổ chức hội nghị chung cư bất thường, giải quyết triệt để các bất cập nêu trên, nhưng gần 20 ngày mỏi mòn chờ đợi, không có định hướng giải quyết. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên người dân gửi đơn đến UBND phường Yên Hòa phản ánh những tồn tại của nhà F5.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Hoàng Trung Kiên cho rằng, không phải ông không nắm được những tồn tại của nhà F5, nhưng còn phải lo nhiều việc nên chưa giải quyết. Với điểm rửa xe trái phép tại F5, UBND phường đã giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Ngọc Anh và Công an phường xử lý, nhưng sự vào cuộc chưa tích cực. Ông Hoàng Trung Kiên khẳng định, sẽ quy rõ trách nhiệm các cán bộ liên quan, xử lý dứt điểm công trình vi phạm trước ngày 25-7. Hội nghị nhà chung cư sẽ được UBND phường đứng ra tổ chức trong những ngày đầu tuần cuối cùng của tháng 7. Thông tin này tiếp tục được ông Kiên khẳng định tại hội nghị tiếp xúc cử tri (tổ 26, phường Yên Hòa) tối 21- 7.

Đến nay, điểm rửa xe F5 không còn nhân công hoạt động nhưng công trình vi phạm, gồm thùng kim loại to được khoan gắn vào tường nhà F5 vẫn tồn tại. Hội nghị nhà chung cư F5 do đích thân UBND phường đứng ra tổ chức như đã hứa chưa diễn ra, còn người dân mòn mỏi chờ đợi. Ngoài những vấn đề nêu trên chưa được xử lý, người dân ở tòa nhà F4, F5 còn phản ánh, lòng đường (vị trí đối diện tòa nhà F4, F5) chỉ vẻn vẹn 6 mét nhưng lâu nay bị chiếm dụng thành nơi đỗ xe ô tô ở 2 bên đường khiến đoạn đường này bị thu hẹp còn chỉ 2 mét, tầm nhìn của người tham gia giao thông rất hạn chế.. Hai năm trở lại đây, dịp tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng phản ánh với HĐND, UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, nhưng tình hình không cải thiện. Trái lại, xe ô tô đỗ hai bên đường với mật độ ngày càng dày hơn như thách thức sự vào cuộc của chính quyền sở tại. Từng có tai nạn chết người xảy ra cách đây không lâu

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận định, trách nhiệm của UBND phường trong giải quyết các vấn đề ở địa bàn phụ trách, văn bản pháp luật có đầy đủ, đặc biệt là trong Luật Tiếp công dân, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 31-10-2014, quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Chỉ khi áp dụng những chế tài, biện pháp kỷ luật nghiêm khắc với những nơi vô cảm hoặc chậm giải quyết bức xúc của dân; tăng cường thanh tra công vụ, áp dụng mô hình chính quyền điện tử đồng bộ từ thành phố tới cấp cơ sở theo hướng 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả như quyết tâm người đứng đầu thành phố thì bộ máy hành chính mới có cải thiện.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, lâu nay các quận huyện, phường, xã đều có đường dây nóng nhưng không nóng. Việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến người dân hầu hết không được thống kê, cũng không có cơ quan nào giám sát việc này. Không loại trừ trường hợp nhiều bức xúc của dân bị ỉm đi hoặc giải quyết lấy lệ. UBND TP cần tổ chức lại hoạt động của đường dây nóng theo hướng xây dựng tổng đài tiếp nhận tập trung 24/24h để tiếp nhận thông tin tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phản ánh kiến nghị. Triển khai theo hướng này sẽ đạt mục tiêu kép: Thông tin được hệ thống hóa, thành phố vừa nắm chắc tình hình cấp cơ sở; vừa có thể phân loại, xử lý kịp thời cán bộ công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để vi phạm các quy định pháp luật, nếu có.

Trao đổi với phóng viên báo Hà nội mới ngày 29- 7, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà khẳng định, những tồn tại tại nhà F5 đã được giao các phòng chuyên môn nghiên cứu. UBND quận Cầu Giấy sẽ xem xét, chỉ đạo, xử lý triệt để các vấn đề phóng viên Hà nội mới phản ánh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần đường dây nóng tập trung và sự phối hợp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.