Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần đột phá trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Gia Bình| 25/11/2011 07:50

(HNM) - Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011-2015 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) xây dựng trong bối cảnh các DN này gặp rất nhiều khó khăn.


Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2011 đã có gần 49.000 DN rơi vào tình trạng phá sản, thua lỗ (chiếm gần 10% tổng số DN trên cả nước). Vì thế, để các DNNVV vượt qua thách thức, rất cần sự đột phá trong chiến lược phát triển.

Chiếm hơn 96% số DN cả nước, các DNNVV đang đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo. Đứng trước thực tế khó khăn của DNNVV, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều khu vực của các DNNVV vẫn chưa tiếp cận được sự hỗ trợ này. Dự thảo kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 (đang lấy ý kiến đóng góp) đặt ra rất nhiều mục tiêu, nhưng xét cho cùng mục tiêu gì cũng phải xuất phát từ thực tế, phải tổng kết kế hoạch 5 năm phát triển DNNVV giai đoạn 2006-2010 để biết kết quả ra sao, những gì đã đưa ra mà chưa làm được trước khi triển khai kế hoạch mới. Thời gian qua, số lượng DNNVV tăng mạnh, song chất lượng lại không cao. Vậy, điểm đến mới của các DNNVV sẽ ở đâu?

Theo Bộ KH-ĐT, kết thúc giai đoạn 2006-2010, đã có khoảng 370.000 DNNVV được thành lập mới, tạo thêm khoảng 2,7 triệu chỗ làm mới. 7% tổng số DN này trực tiếp tham gia xuất khẩu. Quy mô vốn trung bình của một DNNVV tăng từ 3 tỷ đồng năm 2000 lên hơn 17,6 tỷ đồng năm nay... Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số lượng những DN đã phá sản, giải thể, hoặc ngừng hoạt động là bao nhiêu (9 tháng đầu năm nay có gần 49.000 DN rơi vào cảnh này) số lượng này có lẽ còn xa thực tế và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đôi khi, DN cũng ngại làm các thủ tục này, không muốn cung cấp số liệu cho các cơ quan chức năng. Vì thế, việc thống kê các DNNVV có tình trạng trên khó chính xác. Hệ lụy là các ngành chức năng không nắm bắt được thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như những khó khăn mà DN gặp phải để có những kiến nghị hỗ trợ thích hợp...

Theo các chuyên gia, cho dù trong kế hoạch trước đây đã đưa ra 7 nhóm giải pháp chính và nhiều chương trình hành động cụ thể, song nhiều chính sách không triển khai được bao nhiêu vì không khả thi. Chẳng hạn, trong nhóm giải pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DNNVV, việc thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng đã không thành công do có rất ít tỉnh thành lập được quỹ này. Nhưng, kể cả các quỹ đã thành lập cũng hoạt động không hiệu quả. Ở nhóm giải pháp về tạo điều kiện mặt bằng cho DNNVV sản xuất cũng vậy, các giải pháp đưa ra manh mún, không giải quyết được tận gốc các vấn đề mà DNNVV đang gặp phải. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cũng không khả thi, vì quỹ đào tạo nhân lực đã được thành lập do Chính phủ phân bổ ngân sách để Bộ KH-ĐT triển khai. Việc bộ này trực tiếp tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ cho DNNVV, cạnh tranh với các nhà cung cấp khác là không phù hợp với nguyên tắc thị trường, nên đã không đạt được kết quả...

Để DNNVV phát triển với chất lượng tốt hơn trước, trở thành trụ cột của nền kinh tế và gia tăng năng lực cạnh tranh, không thể chỉ trông chờ vào kế hoạch thuần túy. Được biết, kế hoạch cho giai đoạn 2011-2015 được đưa ra với 8 nhóm giải pháp mới mà nội dung không khác nhiều so với 7 nhóm giải pháp của kế hoạch cũ. Bởi, vẫn là các đề nghị về hoàn thiện khung pháp lý cho DNNVV gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường; hỗ trợ tiếp cận tài chính; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết; cung cấp thông tin hỗ trợ, xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển… Ước tính tổng kinh phí trợ giúp DNNVV trong giai đoạn này khoảng 3.470 tỷ đồng, chủ yếu lấy từ ngân sách, nhưng không đề ra được các giải pháp đột phá, trên cơ sở rút kinh nghiệm những điều chưa thực hiện được, hay đã thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả của kế hoạch cũ. Mặt khác, trong dự thảo kế hoạch chưa có định hướng nhằm tái cấu trúc các DNNVV, nằm trong tổng thể tái cấu trúc mà nền kinh tế đang hướng đến. Khó khăn hiện tại của nền kinh tế đang tác động mạnh đến cộng đồng DN nói chung, các DNNVV nói riêng, những vấn đề ngắn hạn có thể được ưu tiên hơn những định hướng dài hạn. Đặc biệt, những giải pháp đưa ra như kế hoạch này, nếu muốn khả thi không thể đi bên lề những mối quan tâm của DNNVV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đột phá trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.