Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần "đồng cảm" của các bên

Gia Khánh| 24/02/2022 06:03

(HNM) - Cải tạo chung cư cũ là vấn đề lớn và cũng rất khó. Thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ, hầu hết đã hết niên hạn, nhưng mới chỉ có 19 nhà chung cư cũ được xây dựng lại trong hơn 10 năm qua.

Nói cải tạo chung cư cũ là vấn đề lớn bởi số lượng chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội lớn nhất cả nước và liên quan đến hàng chục vạn hộ gia đình.

Nói cải tạo chung cư cũ là việc khó là bởi qua hàng chục năm sử dụng, quy mô cũng như thiết kế ban đầu của các nhà chung cư đều đã thay đổi; trong khi đó, các cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, đặc biệt là khó có thể hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Nếu ở vị trí của người dân - chủ sở hữu căn hộ chung cư, thì ai cũng muốn được tái định cư tại chỗ với diện tích nhà phải lớn hơn, càng nhiều càng tốt. Nếu ở vào vị trí của nhà đầu tư, thì sự quan tâm lớn nhất là phải có lợi nhuận. Nếu ở vào vị trí của nhà quản lý, thì chung cư cũ xây dựng lại không chỉ đẹp hơn, văn minh hơn, mà còn không được làm tăng tải lên hạ tầng, không vượt các chỉ tiêu về quy hoạch… Giải quyết được yêu cầu này thì lại mâu thuẫn với yêu cầu khác.

Thực tế, thành phố Hà Nội đã nỗ lực tìm giải pháp khả thi cho việc cải tạo chung cư cũ. Nhiều cuộc hội thảo giữa cơ quan quản lý với các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân sinh sống tại chung cư cũ được tổ chức. Thành phố Hà Nội cũng phối hợp với Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp với điều kiện thực tế. Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được ban hành, đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực về cơ chế để triển khai cải tạo, xây dựng lại hệ thống nhà chung cư cũ trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Từ đó, thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án, các kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2022-2023 và đến năm 2025; đồng thời chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền thành phố.

Với mục tiêu đến đầu năm 2023 có thể khởi công 2-3 dự án trở lên, các cấp, ngành thành phố Hà Nội sẽ phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, từ rà soát, kiểm định toàn bộ nhà chung cư cũ, lập quy hoạch chi tiết, đến lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, bố trí tạm cư… Việc này phải được các cấp, ngành bố trí đủ nhân lực, tiến hành khẩn trương; kịp thời đề xuất phương án xử lý vấn đề phát sinh. Cùng với đó, việc tuyên truyền phải được đẩy mạnh để tạo ra sự đồng thuận của người dân sinh sống tại các chung cư cũ.

Nhà đầu tư tham gia dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, cũng phải có đủ năng lực thi công và tiềm lực về tài chính; tuân thủ cam kết với thành phố trên cơ sở cân nhắc, hài hòa lợi ích về kinh tế với đóng góp xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh. Có như vậy, các dự án mới bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Để các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được triển khai thuận lợi rất cần sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Với tư cách là một trong những chủ thể tham gia, một mặt người dân cần phải được bảo đảm các quyền lợi chính đáng, mặt khác cũng phải cân nhắc đến trách nhiệm và quyền lợi chung, không thể vì một vài đòi hỏi mà cản trở cả dự án.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kỳ vọng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần "đồng cảm" của các bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.