Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân đối ngân sách nhà nước năm 2016: Thu có đủ chi?

Hương Ly| 27/10/2015 05:57

(HNM)- Tỷ lệ nợ công và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) có xu hướng tăng cao, nguồn thu NSNN gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, phương án phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế ẩn chứa nhiều rủi ro… là những lo lắng làm

Giá dầu thô giảm mạnh khiến ngân sách nhà nước hụt thu lớn so với năm 2014.


Tại cuộc họp báo sáng ngày 26-10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng dự toán chưa sát với thực tế đã khiến số chi thực tế vênh khá nhiều so với dự kiến. Điều này sẽ được Bộ Tài chính khắc phục ngay từ khâu xây dựng dự toán NSNN năm 2016.

Giật mình từ những con số

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7 USD/thùng, giảm trên 43 USD/thùng so với giá tính dự toán), dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối ngân sách trung ương. Ngoài ra, tỷ lệ nợ đọng thuế vẫn còn cao, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp khiến kết quả thu NSNN năm 2015 chưa đạt như mong muốn.

Thêm vào đó, mặc dù tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong cân đối NSNN, đòi hỏi Chính phủ phải tính toán các giải pháp để bù hụt thu, bảo đảm cân đối NSNN. Thậm chí, có đại biểu Quốc hội còn nêu con số về việc sau khi cân đối và trừ đi các khoản phải chi, ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với số tiền này rất khó để điều tiết NSNN chứ chưa nói là phải lo tiền trả nợ.

Bên cạnh lo lắng về mất cân đối NSNN, nợ công được xác định là trong giới hạn an toàn, khi ở mức 61,3% GDP, nhưng NSNN cũng đang đứng trước sức ép tăng chi ngày càng lớn với tốc độ tăng chi 11%. Thêm vào đó, dư nợ vay của Chính phủ tính đến ngày 31-12-2014 là 1.866.004 tỷ đồng. Trước tình hình này, Chính phủ đã đề xuất trong thời gian tới cần tập trung phát triển thị trường trái phiếu chính phủ để tăng cường huy động vốn cho NSNN, từng bước thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ với khối lượng phát hành trái phiếu quốc tế dự kiến khoảng 3 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2016. Thế nhưng, việc phát hành trái phiếu chính phủ theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội dù ở kỳ hạn 10 hay 30 năm thì đây vẫn là những gánh nặng mà các thế hệ sau phải trả và càng phát hành thêm trái phiếu thì sẽ càng ẩn chứa nhiều rủi ro.

Nhiều giải pháp cân đối ngân sách

Xuất khẩu da giày là điểm sáng của nền kinh tế những tháng đầu năm 2015. Ảnh: khánh nguyên


Trả lời câu hỏi của Báo Hànộimới về những giải pháp cân đối NSNN của Bộ Tài chính trong năm 2016, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thói quen xây dựng dự toán chưa sát với thực tế đã khiến số chi thực tế vênh khá nhiều so với dự kiến. Điều này vô hình trung khiến tỷ lệ bội chi thường lớn hơn rất nhiều so với dự toán và gây ra nhiều lo ngại. Chính vì vậy, ngay trong khâu xây dựng dự toán thu chi NSNN năm 2016, Bộ Tài chính sẽ kiên quyết xây dựng số liệu sát với thực tế. Đơn cử như với giá dầu thô, thay vì đưa ra dự toán với mức giá 100 USD/thùng như năm 2015, trong năm tới, dự toán giá dầu sẽ là 60 USD/thùng. Hiện giá dầu dao động ở mức 53-57 USD/thùng. Với mức dự toán đưa ra, trường hợp giá có xuống thấp cũng chỉ hụt thu từ 3 đến 4.000 tỷ đồng và NSNN có thể dễ dàng cân đối.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định, mặc dù NSNN gặp nhiều khó khăn, song hiện còn rất nhiều khoản nợ có khả năng thu hồi, trong đó có hơn 72 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế. Trong số này, có những khoản nợ thuế rất lớn của không ít doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng chi trả. Mặc dù Bộ Tài chính đã xin ý kiến và Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo phải thu hồi tiền thuế theo đúng luật định, nhưng nhiều đơn vị vẫn nêu nhiều lý do trì hoãn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong gần 16 nghìn doanh nghiệp nợ đọng thuế có khả năng thu hồi. Bộ Tài chính có thể nêu danh sách cụ thể về tên tuổi, số nợ thuế và do cục thuế nào quản lý. Số nợ này sẽ kiên quyết phải thu đúng, thu đủ vào NSNN bởi lý do trì hoãn không phải do khó khăn khách quan mà do ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp chưa nghiêm. Bên cạnh việc kiên quyết thu hồi nợ thuế, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế tại khoảng 18.000 doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra, chống chuyển giá; thực hiện thanh tra 11.500 doanh nghiệp FDI, tập trung tại 4 cục thuế địa phương nhằm hạn chế tình trạng thất thu NSNN qua những chiêu trò chuyển giá, trốn thuế.

Đặc biệt, từ ngày 1-1-2016, khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 22% xuống 20% và xuống mức 17% với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy số hụt thu NSNN sẽ giảm, song kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi thuế suất giảm nhưng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu, số thuế thu vào NSNN sẽ tăng đáng kể. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, Bộ Tài chính đang đề xuất miễn thuế cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, vốn là những hộ có số thu nộp thuế nhỏ từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Lực lượng cán bộ thuế này sẽ tập trung vào thanh tra, kiểm tra, siết chặt hoàn thuế, thu thuế tiêu thụ đặc biệt... Đây là những giải pháp sẽ được Bộ Tài chính thực hiện nhằm cân đối thu chi NSNN và khắc phục những khó khăn về ngân sách trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân đối ngân sách nhà nước năm 2016: Thu có đủ chi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.