Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân đối ngân sách ngày càng khó khăn

Hà Phong| 08/03/2016 06:30

(HNM) - Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7-3, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn khi tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao. Cân đối ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn.


Khó nâng trần nợ công

Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có nội dung chính là chuẩn bị, hoàn tất các nội dung cho kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong tháng 3 này. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày các báo cáo: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ; tờ trình về kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020…

Năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp có sự cải thiện tích cực. Ảnh: Mạnh Hà


Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày, nền kinh tế đã phục hồi rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,68% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Cũng trong năm 2015, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 15,64%; tín dụng đối với nền kinh tế tăng 17,29%, tổng phương tiện thanh toán tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Đáng lưu ý hơn, mặc dù giá dầu thô giảm mạnh (từ 100 USD xuống 56,2 USD/thùng), nhưng tổng thu ngân sách nhà nước cả năm đạt 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng so với dự toán và cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội là 69,37 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 1.262,87 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 256.000 tỷ đồng. Nếu so với GDP thực tế thực hiện, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước là 6,11% GDP. Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn nằm trong phạm vi dự toán điều chỉnh... Sự phục hồi của thị trường bất động sản là điều kiện quan trọng để các địa phương làm tốt hơn công tác đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và đẩy mạnh thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản. Tuy nhiên, Chính phủ cũng lo ngại, nếu duy trì tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và hạn mức cấp bảo lãnh chính phủ theo phương án hiện hành sẽ dẫn đến việc chỉ tiêu nợ công trên GDP vượt trần trong các năm 2016-2017. Trong khi đó, Bộ Tài chính nhận thấy khó có thể thực hiện phương án nâng trần nợ công.

Bội chi ngân sách ở mức cao

Khẳng định chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thông tin, dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP. "Sức ép về đầu tư từ nguồn vốn vay trong thời gian qua quá lớn. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam (VNĐ) và kích thích xuất khẩu hàng hóa cũng làm tăng giá trị nợ bằng ngoại tệ khi quy đổi sang VNĐ. Các dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý" - Ông Hiển nói. Cũng theo ông Hiển, với thực trạng tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, cân đối ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn là tất yếu.

Để bảo đảm đời sống cho người lao động, nhiều ý kiến cũng cho rằng không thể không giải quyết bài toán lạm phát, chặn đà tăng giá của hàng hóa bằng nhiều phương án, trong đó có tăng lương tối thiểu. Dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chưa có nguồn để thực hiện điều chỉnh quan hệ tiền lương. Nhưng Chính phủ đề nghị bố trí nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 5-7%/năm. "Nếu các cơ quan chức năng đồng thuận phương án này thì sẽ đẩy tỷ lệ chi thường xuyên lên đến 64%" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Đồng ý ưu tiên bố trí nguồn để tăng lương, cải cách tiền lương theo lộ trình song Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chính phủ bằng mọi cách phải giảm tỷ lệ chi thường xuyên xuống dưới 60%.

Hôm qua 7-3, bên cạnh vấn đề tiền lương, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016-2020 là 260.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng muốn được sử dụng thêm khoảng 150.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để tăng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương và xin thưởng hơn 1.700 tỷ đồng cho các tỉnh vượt thu ngân sách.

Với những đề xuất nêu trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân. "Việc chi thưởng vượt dự toán cho các địa phương là đúng với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Nhưng, tôi được biết đa số ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét lại vì cân đối ngân sách còn khó khăn" - Ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ. Còn theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nguyên tắc phân bổ vốn là phải phù hợp khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, ưu tiên an toàn nợ công. Đồng thời, phải bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn, góp phần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân đối ngân sách ngày càng khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.