: Sau khi đăng loạt bài "Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội: Từ những bài học không thành công", báo Hànộimới nhận được những ý kiến của các nhà lãnh đạo TP, sở, ngành, các chuyên gia liên quan… và đông đảo nhân dân về vấn đề này. Các ý kiến đều cho rằng đây là quá trình tất yếu của CNH-HĐH nông nghiệp và Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong cả nước; và muốn vậy thì ngoài ý chí quyết tâm của người trong cuộc, TP cũng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp... giúp doanh nghiệp thực hiện dự án hiệu quả.
Thành phố đang chú trọng phát triển các mô hình NNCNC, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn để phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Hoàng Hải
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trịnh Duy Hùng: Hà Nội đang thiếu DN tầm cỡ đầu tư cho NNCNCTrong các kỳ họp HĐND, UBND các cấp, trong những cuộc tiếp xúc cử tri, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng, yêu cầu thành phố phải có giải pháp để đáp ứng thực phẩm sạch cho nhân dân. Hà Nội hiện có 221 điểm sản xuất rau tập trung với quy mô khoảng 8.000ha. Đây là điều kiện thuận lợi để kêu gọi các DN đầu tư vào NN nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa NN Thủ đô. Tuy nhiên, các dự án lớn đầu tư vào Hà Nội chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, đô thị, CN. Các dự án về NN, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang vắng bóng. Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý... nếu có DN đủ tầm, đủ lực mạnh dạn đầu tư vào NNCNC.
GS-TSKH Lê Doãn Diên, Chủ nhiệm Khoa công nghiệp, nông, thực phẩm (Đại học Thành Tây): NNCNC - không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ giống nòi
Báo Hànộimới đăng loạt bài về "Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội: Từ những bài học không thành công" là điều rất tốt. Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong phát triển NNCNC bởi đây là hướng đi tất yếu của quá trình CNH-HĐH nông nghiệp. Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ của công nghệ cao nên không thể chấp nhận những mô hình nông nghiệp manh mún, lạc hậu, khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc phát triển NNCNC cần phải làm nhưng không để lãng phí tiền của Nhà nước. Điều quan trọng là làm NNCNC phải phù hợp với điều kiện Việt Nam hay nói cách khác là Việt Nam hóa để có khả năng thực thi, nhân rộng ra chứ không nên áp dụng nguyên theo công nghệ của nước ngoài. Phát triển NNCNC không chỉ là mang lại giá trị lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mà còn là điều kiện để bảo vệ giống nòi.
GS-TSKH Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam: NNCNC phải là năng suất, chất lượng, an toàn
Việc phát triển NNCNC để tăng năng suất và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong khi đất nông nghiệp đang thu hẹp dần do đô thị hóa là điều cần thiết. Để phát triển khu NNCNC phải xây dựng rõ lộ trình, quy mô... cho từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể để có hướng đầu tư trọng điểm bền vững. Điều quan trọng là các nhà khoa học phải hướng dẫn cho nông dân sản xuất theo quy trình sạch tạo sản phẩm sạch, giá thành hạ, có như vậy, những sản phẩm NNCNC mới có thể có chỗ đứng trên thị trường. Các bộ, ngành liên quan cần đưa ra tiêu chí công nghệ cao trong nông nghiệp, làm cơ sở kêu gọi đầu tư.
TS Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: NNCNC của Hà Nội nên đầu tư quy mô 300-500haNNCNC là sự lựa chọn tất yếu của Hà Nội. Tuy nhiên, để phát triển NNCNC thành công, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách khuyến khích DN thông qua hỗ trợ GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật... còn DN phải tự đầu tư sản xuất, nhập thiết bị công nghệ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhà nước tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm NNCNC đi đôi với sắp xếp vị trí thuận lợi để DN đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. NNCNC của Hà Nội nên đầu tư quy mô 300-500ha, nằm trong vùng quy hoạch phát triển NN lâu dài của thành phố. Thành phố chỉ nên thu hồi số diện tích để DN làm hạ tầng, như nhà sơ chế, đường giao thông... còn khu sản xuất nên để nông dân góp vốn bằng đất hoặc DN thuê lại đất của dân, vừa giảm được chi phí đầu tư cho DN, nông dân lại không mất đất.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Phạm Văn Khương: Phát triển NNCNC không thể là xin – choLà người từng tham gia đóng góp ý kiến cho nhiều dự án NNCNC trên địa bàn, tôi thấy rằng, hầu hết các dự án NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt của Hà Nội đều chết yểu sau một vài năm tồn tại. Trong khi việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi lại khá thành công. Không chỉ có dự án của Hadico mà nhiều dự án NNCNC khác cũng trong tình trạng tương tự. Thay vì đi tìm nguyên nhân thất bại, chúng ta hãy tự hỏi vì sao các sản phẩm NNCNC của nước ngoài vẫn sống được ở Việt Nam. Trải qua hàng vạn kilômét với đủ các loại thuế, thủ tục xuất - nhập khẩu mà nho, táo Mỹ... vẫn tươi ngon, người Việt vẫn tin dùng. Có phải người Việt Nam không thể tiếp thu công nghệ NNCNC của các nước tiên tiến, không đủ tiền xây dựng các khu NNCNC xứng tầm?… Vấn đề là ở chỗ chúng ta đang chắp vá, cóp nhặt công nghệ mà không có định hướng, chiến lược lâu dài. Chúng ta nhập khẩu nguyên chiếc nhưng lại không đưa người đi đào tạo từ trước để làm chủ công nghệ, có tác phong trách nhiệm của người làm công nghệ. Chúng ta đầu tư nhỏ giọt, các dự án còn mang nặng cơ chế xin - cho, sản phẩm làm ra không mang tính hàng hóa nên không có thị trường là điều dễ hiểu. Muốn chữa được "bệnh" cho NNCNC của Hà Nội, phải có DN đủ tầm, đủ lực đứng ra làm, Nhà nước tạo điều kiện ưu đãi về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý chứ Nhà nước không rót tiền trực tiếp cho DN làm như trước kia.
Ông Nguyễn Văn Ba, xã Song Phượng, Hoài Đức, Hà Nội: Nông dân vẫn "mù tịt" với NNCNCXã tôi có hàng trăm hộ nông dân chuyên trồng rau: tự trồng, tự bán. Mọi vật tư, giống… đều đến các cửa hàng bán lẻ của xã để mua. Lúc rau được giá thì còn có lãi, lúc giá hạ thì chỉ hòa là may. Phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về NNCNC nhưng thực hư thế nào, nông dân chúng tôi "mù tịt". Để nông dân hiểu và ủng hộ các dự án NNCNC, rất cần cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền. Mặt khác, khi dự án đi vào thực tế, DN phải có cam kết bằng văn bản về việc đào tạo nông dân và đưa nông dân vào sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Nếu DN không thực hiện đúng mục đích của dự án, thành phố cương quyết thu hồi giao cho đơn vị khác có tiềm năng, tâm huyết. Tuyệt đối không để tình trạng "treo đầu dê, bán thịt cho", dự án NNCNC thành dự án bất động sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.