Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần điều chỉnh linh hoạt

Đức Anh| 29/06/2011 06:37

(HNM) - Chỉ còn một ngày nữa là hết thời hạn các ngân hàng (NH) phải đưa tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất với tổng dư nợ về mức tối đa 22% (ngày 30-6).

Tại cuộc gặp gỡ với báo chí mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết, 23 NH có tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất 22-50%, trong đó 8 NH có tỷ trọng 31-37% và một NH có tỷ trọng trên 50%. Nhiều NH thừa nhận, việc kéo dư nợ phi sản xuất về 22% đã khiến họ phải ráo riết thu hồi các khoản nợ, hạn chế cho vay…


Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại CP Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Đàm Duy


Cơ cấu lại các khoản vay

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, nếu các NH không đưa tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất về mức quy định, NHNN sẽ có biện pháp mạnh. Những NH không đáp ứng được lộ trình giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống 22% vào cuối tháng 6 và 16% vào cuối năm 2011 sẽ bị áp dự trữ bắt buộc gấp đôi quy định, đồng thời hạn chế việc mở rộng mạng lưới.

Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 10-6, dư nợ phi sản xuất giảm 9,46%, chiếm tỷ trọng 16,92% tổng dư nợ (cuối năm 2010 là 18,8%). Dư nợ cho vay bất động sản (BĐS) của các NH là 222.000 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cuối năm 2010, tương đương mức giảm 13.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay BĐS tại TP Hồ Chí Minh là 95.000 tỷ đồng.

Kéo dư nợ cho vay phi sản xuất về 22% không phải là việc khó với các NH lớn. Lãnh đạo của một NH ở Hà Nội khẳng định chưa bao giờ phải lo lắng về dư nợ cho vay phi sản xuất, vì tỷ trọng của mảng này trên tổng dư nợ luôn thấp hơn mức yêu cầu. Tuy nhiên, con số 22% lại không đơn giản với những NH nhỏ chủ yếu cho vay phi sản xuất, đặc biệt là cho vay BĐS. Để có thể hút khách, những NH này thường tung ra nhiều "chiêu" như tăng mạnh lãi suất huy động để có vốn cho vay BĐS, gây ra tình trạng "phình" tín dụng cho vay phi sản xuất. Đại diện một NH cổ phần nhỏ có hội sở ở Hà Nội thừa nhận không thể đưa tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất trên tổng dư nợ về 22% trước ngày 30-6. NH này đang phải khẩn trương cơ cấu lại các khoản vay. Đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn, NH phải thỏa thuận với họ để lùi thời hạn trong bối cảnh cho vay phi sản xuất đang bị thắt chặt. NH này kiến nghị NHNN xem xét lại tiêu chí tín dụng sản xuất và phi sản xuất, bởi có những khoản vay như xây dựng nhà xưởng, xây dựng cơ sở hạ tầng… không thể bị coi là tín dụng BĐS.

Điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay

Việc siết chặt tín dụng phi sản xuất gây tác động không nhỏ tới thị trường BĐS. Mặc dù đại diện nhiều NH khẳng định hiện nay, cho vay BĐS vẫn bảo đảm an toàn và là kênh thu lời cao, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười" vì dự án đang dở dang, vốn thiếu mà NH lại không thể cho vay. Vẫn biết chuyện vỡ thị trường BĐS là không thể xảy ra vì quy mô thị trường trong nước còn nhỏ, nhưng việc thắt chặt các khoản cho vay phi sản xuất của NHNN trong thời điểm thị trường đang khó khăn như hiện nay sẽ tiếp tục gây áp lực lớn. Trước tình trạng này, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi NHNN. Theo Bộ Xây dựng, trong khi thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ không tăng tỷ trọng tín dụng BĐS, vẫn có thể điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng nhằm tạo điều kiện cho thị trường này phát triển lành mạnh và bền vững. Bộ Xây dựng đề nghị NHNN nghiên cứu và có hướng dẫn các NH, tổ chức tín dụng không tăng tỷ trọng tín dụng BĐS trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản tín dụng BĐS. Một số khoản mục phải giảm tỷ trọng như vay xây dựng khu đô thị, văn phòng (cao ốc) cho thuê, chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng, khởi công dự án mới. Đối với một số khoản mục cần phải tăng tỷ trọng cho vay như vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất, kinh doanh, vay mua nhà để ở. Một số khoản có thể giữ nguyên tỷ trọng như vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư. NHNN nghiên cứu thêm hình thức chuyển nợ từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa NH với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa NH với người mua nhà, bằng cách này sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng BĐS nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì áp đặt hành chính về tỷ lệ cho vay phi sản xuất, chỉ nên chọn một số NH gặp khó khăn về thanh khoản để giám sát cho vay phi sản xuất. Hiện NHNN đã có công cụ quản lý rủi ro là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, bởi vậy, nên căn cứ vào tỷ lệ này để điều hành, không nên quá thắt dư nợ tín dụng phi sản xuất như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần điều chỉnh linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.