Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần đa dạng hình thức, đổi mới nội dung

Hà Phong| 18/12/2015 06:57

(HNM) - Đổi mới và đa dạng hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những giải pháp quan trọng TP Hà Nội đẩy mạnh trong năm 2015 nhằm đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống.

Một hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Công an TP Hà Nội ở cấp cơ sở.


Song lực lượng nòng cốt triển khai là cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn còn thiếu, đội ngũ báo cáo viên đông nhưng chưa mạnh đã ảnh hưởng đến hiệu quả PBGDPL.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết, một trong những nội dung quan trọng Hà Nội đã đạt được trong năm 2015 là đa dạng hóa công tác tuyên truyền PBGDPL. Trong năm qua, nhiều hình thức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tuyên truyền trực quan sinh động (panô, áp phích, băng rôn...); lồng ghép tuyên truyền pháp luật với các chương trình văn hóa, văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh.

Đặc biệt, đối với Thành đoàn Hà Nội, việc thành lập các đội thanh niên tình nguyện tham gia tuyên truyền, hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ, giữ gìn trật tự an toàn giao thông đã mang lại hiệu quả cao, được người dân hưởng ứng và đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng đã được đơn vị triển khai như chiến dịch "Thanh niên tình nguyện hè", hoạt động "Tiếp sức mùa thi" hướng dẫn an toàn giao thông trên các quốc lộ, chống ùn tắc tại các nút giao thông quan trọng nơi thí sinh đến đăng ký thi và dự thi.

Song song với các hình thức truyền thống thì việc đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí, mạng internet, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật là một hướng đi thu được nhiều kết quả khả quan. Gần đây nhất, Hà Nội đã triển khai thành công cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với quy mô lớn, bài bản, đặc biệt lần đầu tiên Ban tổ chức cuộc thi đã huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để trao giải thưởng lớn nhất từ trước đến nay.

Chọn lọc từ gần 5 triệu bài dự thi ở cấp cơ sở, Ban tổ chức cuộc thi ở cấp trung ương đã quyết định trao giải nhất cá nhân, giải A tập thể cho Hà Nội vì đã có số lượng bài dự thi lớn nhất cả nước. Ngoài ra, thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã tháo gỡ nhiều vụ việc có tính chất phức tạp ngay ở khu vực dân cư. Các quận, huyện Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Trì, Mỹ Đức không phải thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất.

Từ thực tiễn cơ sở, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đánh giá cao hiệu quả việc tuyên truyền, PBGDPL qua mạng internet. Theo ông Thống, mặc dù được đầu tư, bổ sung đầu sách liên tục, nhưng hiện nay số người quan tâm, sử dụng tủ sách pháp luật chưa nhiều. Trong bối cảnh công nghệ thông tin, các loại điện thoại thông minh phát triển mạnh mẽ như hiện nay, năm 2016, hình thức PBGDPL qua mạng internet sẽ được áp dụng triệt để. Đối với Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, thời gian tới sẽ chú trọng tuyên truyền PBGDPL đến phụ huynh, học sinh thông qua các sổ liên lạc điện tử.

Ở góc nhìn khác, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến nhận định, một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch, ít lỗ hổng, không chồng chéo, mâu thuẫn sẽ tự mình có sức mạnh để đi vào cuộc sống, được xã hội chấp nhận, thừa nhận và tuân thủ. Vấn đề là truyền tải vào thời điểm nào cho hiệu quả? Ông Tuyến đề nghị, các luật có liên quan đến nhau cần tập trung tuyên truyền cùng lúc. Năm 2016, cùng với phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cần tổ chức tuyên truyền với các luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cuộc thi "Tìm hiểu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân" nên được triển khai ngay từ đầu năm theo hình thức sân khấu hóa, bắt đầu ở cấp cơ sở để mang lại hiệu quả sâu rộng hơn.

Có điều đáng lưu ý, dù triển khai bài bản theo kế hoạch nêu trên, Hà Nội vẫn rất khó có những đột phá trong công tác PBGDPL. Gốc rễ là lực lượng nòng cốt triển khai - đội ngũ báo cáo viên pháp luật đông nhưng chưa đồng đều. Cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn còn thiếu, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Một số sở, ngành chưa thành lập tổ chức pháp chế theo quy định.

Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, trong năm 2016, Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các cổng thông tin điện tử gắn với kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện và nhân rộng các mô hình, sáng kiến mới, khen thưởng đúng người, đúng việc.

"Vẫn còn một số ngành, địa phương triển khai PBGDPL hình thức. Cần tiếp tục đổi mới từ phương pháp truyền tải đến lực lượng triển khai mới có thể nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật trong CBCNVC và nhân dân" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần đa dạng hình thức, đổi mới nội dung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.