(HNM) - Đầu tháng 10-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2008 về phòng chống thư rác. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 và được kỳ vọng sẽ hạn chế nạn tin nhắn
Khách hàng tìm hiểu các loại hình dịch vụ của Mobifone. Ảnh: Thanh Hải |
Điểm nổi bật đầu tiên của nghị định (NĐ) sửa đổi này là tại Điều 7 "Nguyên tắc gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đối với tổ chức, cá nhân" quy định các công ty cung cấp nội dung (CP) chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng của người nhận; phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận. Khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo thì nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt, vẫn theo Điều 7, các CP không được phép gửi quá một tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.
Thực tế hiện nay, tuy các thuê bao điện thoại đã nhắn tin theo cú pháp quy định của nhà mạng để từ chối nhận tin rác, dù được hệ thống xác nhận yêu cầu của bạn đã thành công, nhưng kết quả là lượng tin nhắn rác về máy vẫn không giảm. Một khách hàng là thuê bao Vinaphone số 091xxxxx07 cho biết, vì không muốn bị tin rác làm phiền nên đã nhắn tin từ chối gửi đến tổng đài quy định, kết quả là hàng tháng chị chỉ không nhận được tin nhắn quảng cáo từ tổng đài 18001091 về thông báo khuyến mãi giá trị nạp thẻ, còn lại vẫn nhận được tin nhắn rác của cả tổng đài nhà mạng lẫn tin quảng cáo từ các đầu số và sim 11 số.
Một khách hàng của Mobifone thuê bao 093xxxxx78 đã bức xúc đặt câu hỏi, liệu có phải do lo ngại các nhà mạng sắp có thay đổi về chính sách quản lý sim số hay không mà mỗi ngày chị này nhận được 7-8 tin nhắn rao mua, bán sim số đẹp, thậm chí khoảng cách nhận tin nọ cách tin kia sau vài phút. Rất nhiều khách hàng cũng bức xúc việc bị các tin nhắn quảng cáo, lừa đảo tít tít vào máy mọi thời điểm, kể cả ban đêm… Song, tại NĐ mới với những quy định rõ ràng như các CP, cá nhân chỉ được gửi không quá một tin nhắn có nội dung tương tự nhau đến một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được gửi tin quảng cáo từ 7 giờ đến 22 giờ cho thấy so với NĐ cũ, NĐ mới đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người gửi tin nhắn làm hạn chế việc ảnh hưởng tới các chủ thuê bao di động, đồng thời hạn chế tình trạng các DN, cá nhân dùng nhiều sim rác "khủng bố" tin rác tới thuê bao.
Ngoài ra, so với NĐ cũ, NĐ mới đã có những quy định thiên về hướng kỹ thuật hơn như quy định (vẫn trong Điều 7) khi gửi tin quảng cáo, DN phải gửi đồng thời tin đó vào hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước đã sẵn sàng biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật để quản lý tin nhắn rác… nhằm góp phần thực hiện nghiêm các quy định, tránh tình trạng "nhờn" thuốc.
Đại diện một số CP cho biết, họ chưa hiểu rõ một số từ ngữ của Điều 7, chẳng hạn mỗi CP có thể đưa ra hàng trăm dịch vụ, vậy khi khách hàng đã sử dụng một dịch vụ rồi, liệu có nghĩa là họ đồng ý tiếp tục nhận tin quảng cáo của các dịch vụ khác, hoặc ngược lại, họ nhắn tin từ chối nhận tin rác vậy có thể hiểu là họ từ chối tất cả dịch vụ không? Hoặc như thế nào là "sự đồng ý một cách rõ ràng của người nhận"… Về vấn đề này, từ thực tế cuộc sống cho thấy, khi khách hàng nhắn tin từ chối không nhận tin quảng cáo, có nghĩa là họ không muốn bị làm phiền, không có bất cứ nhu cầu nào về sử dụng các dịch vụ quảng cáo.
Nhà mạng, DN cung cấp nội dung hẳn sẽ hiểu điều này. Vậy như thế nào là sự đồng ý nhận tin? Có thể nói một bộ phận không nhỏ khách hàng chưa biết tới việc nhắn tin từ chối nhận tin rác, hoặc cũng có người chỉ vì chỉ muốn nhận duy nhất loại tin nhắn thông báo chương trình khuyến mãi giá trị thẻ nạp nên chưa nhắn tin từ chối (cho dù thực tế việc có nhắn tin từ chối hay không thì kết quả là vẫn nhận được tin rác như thường) thì trường hợp này cũng không quá khó để xác minh. Nên chăng, các DN nội dung hoặc nhà mạng vốn có sẵn đầu số nên nhắn tin cho thuê bao hỏi ý kiến, nếu họ nhắn tin từ chối, sẽ không gửi tin… Được biết, Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ mới về phòng chống thư rác và trong đó sẽ có những giải đáp cụ thể hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.