(HNM) - Thực trạng tội phạm xâm hại trẻ em cũng như tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên còn quá phức tạp, gây quá nhiều bức xúc, lo lắng trong công luận, đòi hỏi phải có
Đến ngưỡng báo động
Điểm qua một số vụ án nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận gần đây có thể thấy được mức độ gia tăng của tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Gần đây nhất là vụ án vừa được TAND TP đưa ra xét xử về hành vi "giết người" và "hiếp dâm trẻ em" do Đặng Trần Hoài gây ra ngày 29-7, gây rúng động dư luận. Trong vụ án này, đối tượng hiếp dâm bé gái 8 tuổi và sát hại một bé gái 4 tuổi...
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn TP xảy ra 386 vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, với các tội danh "hiếp dâm trẻ em", "giao cấu với trẻ em", "cưỡng dâm trẻ em", "dâm ô đối với trẻ em". Loại tội phạm này được đánh giá là gia tăng với nhiều tình tiết hết sức nghiêm trọng. Ngoài ra, đáng chú ý là trong khoảng thời gian trên đã xảy ra 14 vụ giết trẻ em, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân và gây bức xúc xã hội.
Về tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, 5 năm qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra gần 2.000 vụ. Cơ quan chức năng đánh giá, tội phạm vị thành niên đang gia tăng và diễn biến phức tạp, với nhiều loại tội danh. Bên cạnh đó, qua các vụ án, cơ quan CA cho biết, tội phạm do người chưa thành niên gây ra ngày càng manh động, có vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Bạo lực học đường cũng không hề giảm.
Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn trên là do từ xã hội, gia đình đến nhà trường đều có những bất cập trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân gia đình là nguyên nhân chủ yếu, tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc. Cơ quan CA cho biết, qua phân tích của vụ xâm hại trẻ em và vụ án do người chưa thành niên gây ra thì có đến 80% trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật sinh sống trong gia đình của hoàn cảnh éo le hoặc bố mẹ lựa chọn phương pháp quản lý, giáo dục không đúng. Việc giáo dục pháp luật trong nhà trường cũng chưa được thực hiện đầy đủ, sâu sát...
Trách nhiệm của mọi nhà
Tiếp tục quan tâm đến vấn đề tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch, đặt mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu giảm (so với năm 2011) 5-10% các loại tội phạm xâm hại trẻ em nói chung, giảm 5% các loại tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Mục tiêu này không dễ thực hiện nếu thẳng thắn nhìn vào thực tiễn là tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Để thay đổi nhận thức của xã hội, gia đình và cả một bộ phận thanh thiếu niên cũng không dễ.
Về phía chính quyền, UBND TP khẳng định quyết tâm huy động sức mạnh của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng. "Đà" của sức mạnh này là những việc đã làm được trong thời gian qua, nổi bật là những mô hình phòng ngừa đã và đang phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình "phát động toàn dân tham gia giúp đỡ trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng (của phường Yên Phụ, quận Tây Hồ); "phòng chống tệ nạn sử dụng ma túy trong lứa tuổi chưa thành niên" (phường Phúc Xá, quận Ba Đình); "liên kết giữa CA phường với các trường học và cụm dân cư trong công tác phòng ngừa đấu tranh PCTP xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên" (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng)...
Điểm mới hơn là việc chính quyền TP xác định, quá trình thực hiện nhiệm vụ này cần gắn với việc thực hiện các đề án, kế hoạch phòng chống tội phạm nói chung và phải lồng ghép với các chương trình, chính sách an sinh xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức, công tác tuyên truyền được TP khẳng định như là một khâu then chốt. Đây thực sự là một đòi hỏi rất quan trọng và cấp thiết khi thực tế cho thấy là hiểu biết, nhận thức của phần đông người dân về cách phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên còn rất sơ sài. Cần phải có những giải pháp đồng bộ để tác động mạnh mẽ vào nhận thức xã hội đối với vấn đề này. Để giảm bớt các loại tội phạm này như mục tiêu Hà Nội đề ra, rất cần thái độ vào cuộc tích cực, nghiêm túc của các cấp, ngành. Đối với mỗi gia đình, chăm sóc và bảo vệ con em khỏi tội phạm hay ngăn ngừa trẻ tránh xa tệ nạn và các hành vi vi phạm pháp luật càng phải được chú trọng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.