Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có thước đo chung

Thống Nhất| 25/11/2016 07:17

(HNM) - Nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng tăng kéo theo sự ra đời của nhiều trung tâm đào tạo ngoại ngữ, nhất là tại các thành phố lớn. Sự phát triển ồ ạt về số lượng trung tâm ngoại ngữ đặt ra yêu cầu siết chặt công tác quản lý với khung kiểm định chất lượng với thước đo chung, nhằm giảm nỗi lo của người dân về chất lượng đào tạo.


Vẫn lo lắng dù đã nền nếp hơn

Gõ từ khóa “trung tâm ngoại ngữ nào tốt nhất Hà Nội”, trong 0,50 giây đã xuất hiện 804 nghìn kết quả, từ "Tốp 10 trung tâm tiếng Anh tốt nhất Hà Nội" đến "Danh sách trung tâm Anh ngữ tại Hà Nội", "Trung tâm học ngoại ngữ tiếng Anh tốt nhất Hà Nội"… Đọc một lượt là có thể hiểu lý do tại sao lại có nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang đến thế. Việc quyết định chọn một địa chỉ học ngoại ngữ phù hợp với khả năng, mục tiêu của người học, nhất là tiếng Anh, thực sự khó khăn trong bối cảnh số lượng trung tâm ngoại ngữ phát triển ngày càng nhiều hiện nay.

Một giờ học tại Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế TOEIC Hà Nội.



Trên trang http://meohoctienganh... - nơi chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm tìm địa chỉ, phương pháp học tiếng Anh hiệu quả của các bạn trẻ, một sinh viên tên Thủy viết: “Càng đọc càng hoang mang về chất lượng của các trung tâm tiếng Anh. Nói chung, phải tìm hiểu thật kỹ xem có phù hợp với mục tiêu của mình, túi tiền và thời gian của mình, hỏi trực tiếp người đã học, học thử… Tránh bị đeo bám, chèo kéo, dụ dỗ đặt cọc…”. Còn chị Nguyễn Thu Ngân, phụ huynh học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho biết, mẹ con chị đã loay hoay, tốn khá nhiều thời gian "cân đo" trước những lời mời chào của hàng chục trung tâm ngoại ngữ thì mới có thể tìm được nơi học phù hợp. Theo ý kiến của nhiều người, không dễ để kiểm chứng mức độ chính xác đằng sau những lời quảng cáo của các trung tâm Anh ngữ, bởi vậy, kinh nghiệm chung thường được chia sẻ là học thử, trực tiếp hỏi những người đã từng học… để tránh "tiền mất, tật mang".

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến tháng 10-2016, trên địa bàn thành phố có khoảng 350 trung tâm ngoại ngữ. Chiếm số lượng lớn trong số này là loại hình trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài (210 đơn vị), số còn lại là các trung tâm ngoại ngữ trong nước. Theo đánh giá của ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội): Vài năm trở lại đây, tình hình hoạt động và chất lượng đào tạo của các trung tâm ngoại ngữ đã nền nếp hơn, lý do là nhu cầu sử dụng chứng chỉ đào tạo A, B, C dường như không còn nữa, thay vào đó là các chứng chỉ được cấp theo “Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam”. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, cả nước chỉ có 10 cơ sở giáo dục đại học được cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc, vì vậy, phần việc chính của đa số trung tâm ngoại ngữ hiện nay là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ chứ không hướng đến mục tiêu cấp chứng chỉ như trước.

Sẽ có bộ tiêu chí kiểm định chất lượng

Nếu như vài năm trước, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ trên địa bàn Hà Nội chủ yếu đào tạo tiếng Anh thì nay đã có thêm nhiều thứ tiếng khác được đưa vào chương trình giảng dạy như tiếng Nhật, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… Về hình thức hoạt động, các trung tâm đang chuyển dần sang hình thức đào tạo chuyên sâu với mức độ tùy theo yêu cầu, đối tượng học, bao gồm cả việc dạy tiếng Anh cho trẻ em, cho sinh viên, cho người có nhu cầu luyện thi để lấy các chứng chỉ quốc tế…

Qua tìm hiểu, có thể thấy việc quản lý các trung tâm ngoại ngữ hiện nay được “chiểu” theo “Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học” ban hành kèm theo Thông tư số 03/2011/TT-BGD&ĐT ngày 28-1-2011, trong khi các trung tâm ngoại ngữ lại hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo quy trình, sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép thành lập, trung tâm làm hồ sơ trình Sở GD-ĐT cấp phép tổ chức đào tạo ngoại ngữ. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng chưa được cấp phép đào tạo đã tổ chức tuyển sinh còn xảy ra khá phổ biến.

Theo bà Nguyễn Thị Diệp Hồng, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội), ngoài việc kiểm tra, thẩm định để cấp phép thành lập và gia hạn giấy phép tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo quy định, hằng năm, Hà Nội đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình hoạt động của các đơn vị này, với tỷ lệ kiểm tra đạt ít nhất 30% so với số trung tâm đang hoạt động. Vì vậy, mọi sai phạm đều bị “tuýt còi” kịp thời, không có những sự vụ nghiêm trọng xảy ra. Về chất lượng giáo viên, khoảng hơn 500 giáo viên nước ngoài đang giảng dạy tại các trung tâm này cơ bản bảo đảm yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đã đề ra, không có tình trạng “Tây ba lô dạy ngoại ngữ”.

Tuy nhiên, song song với mục tiêu bảo đảm điều kiện thuận lợi để các trung tâm ngoại ngữ phát triển, tình hình hiện nay đòi hỏi công tác quản lý cần được tăng cường hơn nữa. Theo Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Kiều Văn Minh, sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục của các trung tâm ngoại ngữ, trong đó có các yếu tố bắt buộc như về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng “đầu ra”. Đây sẽ là căn cứ để người học lựa chọn địa chỉ học phù hợp, hạn chế được tình trạng hoang mang, lo lắng mỗi khi có nhu cầu học ngoại ngữ. Một trong những yêu cầu bắt buộc, quan trọng nhất đối với các trung tâm ngoại ngữ trong thời gian tới sẽ là công khai cam kết chất lượng đào tạo để người học và xã hội, các cơ quan quản lý cùng giám sát việc thực thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có thước đo chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.