(HNM) - Không chỉ cần nâng quy mô để thu hút nhiều SV ham mê khám phá, tìm tòi nghiên cứu, hoạt động SV nghiên cứu khoa học (NCKH) còn cần chính sách khen thưởng thích đáng.
Năng động trường ngoài công lập
Nhìn lại chặng đường 20 năm của Giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học", Vụ trưởng Vụ KHCN Tạ Đức Thịnh đã đề cập tới một số việc mang tính chiến lược và có tác dụng đòn bẩy đối với hoạt động NCKH của SV. Trong đó, vào năm 2001, Bộ GD-ĐT đã ban hành chính sách ưu tiên khen thưởng cho tác giả của công trình đạt giải nhất được xét cấp học bổng đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Để có cơ sở thực hiện, bộ đã thành lập các hội đồng chuyên môn thẩm định lại các công trình đạt giải nhất. Từ đó đến nay, đã có 43 SV được đào tạo thạc sỹ tại các nước phát triển nhờ chính sách này. Vụ trưởng Tạ Đức Thịnh cho rằng chính sách này góp phần tạo động lực cho các SV tham gia NCKH, phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho đất nước. Sau thời gian học tập, nhiều người đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ và trở thành những nhà nghiên cứu, giảng viên ĐH, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý.
Sinh viên Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội kiểm tra sự phát triển cây ngô tại khu thí nghiệm. Ảnh: TTXVN |
Nhận rõ vai trò quan trọng của hoạt động NCKH đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường, nhiều năm qua, nhiều trường đã có sự hỗ trợ đáng kể đối với sinh viên với kinh phí hằng năm chi cho hoạt động này dao động từ 50 đến 300 triệu đồng. Riêng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, trong hai năm gần đây đã thu hút được nguồn kinh phí từ các dự án lên đến 300 triệu đồng. Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao Trường ĐH Lạc Hồng bởi tuy là trường dân lập nhưng mấy năm trở lại đây, nhà trường đã vận động được gần 1 tỷ đồng từ các doanh nghiệp để phục vụ NCKH. Nhờ có phong trào NCKH phát triển mạnh, trường đã giành chức vô địch Robocon năm 2010.
Sức lan tỏa của phong trào NCKH ngày càng lớn, thu hút nhiều trường bán công, dân lập khác tham gia như: Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Hồng Đức... Nếu năm đầu tiên (1990), Giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" chỉ có 18 đơn vị tham gia với 62 công trình dự thi thì năm 2009 đã có 98 đơn vị với 653 công trình tham gia. Năm 2010, sau khi bộ đã khống chế chỉ tiêu, số lượng công trình dự thi vẫn đạt mức 389. Nhằm động viên, SV NCKH, một số trường đã cấp chứng chỉ bổ sung vào hồ sơ cá nhân, giúp họ dễ xin việc làm.
Thêm kinh phí, giảm lãng phí
Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động SV NCKH, ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng NCKH của ĐH Lạc Hồng cho biết: Nhà trường coi NCKH, công nghệ là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và chủ trương để SV tự chịu trách nhiệm với điểm tích lũy của mình. SV có điểm tích lũy từ 7,5 trở lên phải NCKH, các công trình nghiên cứu phải có sản phẩm ứng dụng thực tiễn cụ thể. Với yêu cầu về tính ứng dụng, Trường ĐH Lạc Hồng đã "bắt" đúng điểm yếu của hoạt động NCKH SV là hiệu quả thực tiễn của các đề tài còn hạn chế. Theo bà Đào Minh Hồng, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), sẽ là sự lãng phí lớn nếu đa số đề tài được cất kỹ, không công bố hoặc để SV thực hiện các dạng đề tài (đặc biệt trong lĩnh vực KHXHNV) thuộc loại "xào nấu" tư liệu, không có gì mới, mang tính đối phó...
Với tư cách của một người đang làm công tác giảng dạy ĐH, từng giành giải nhất SV NCKH năm 2006, anh Nguyễn Phúc Anh, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận: "Thực tế, tính chất phong trào của NCKH SV vẫn còn rất sâu đậm. Đôi khi, bệnh thành tích đã khiến chỉ số về số lượng báo cáo, số người tham gia trở thành thước đo đánh giá việc có hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ của học kỳ, của năm học, chứ không phải chất lượng NCKH. Nhiều SV tham gia không phải xuất phát từ yêu cầu học vấn. Cách triển khai phong trào NCKH theo bề rộng khiến cho nhiều SV không có được sự hỗ trợ cần thiết từ phía nhà trường". Theo giảng viên Nguyễn Phúc Anh, đôi khi tính chất phong trào của NCKH SV lại trở thành một nhân tố kìm hãm sự phát triển của hoạt động này.
Chính sách động viên, khen thưởng thích đáng SV NCKH giỏi là điều rất quan trọng. Lãnh đạo Học viện Ngân hàng cho rằng: Bộ nên cho phép những SV đạt giải cao cấp bộ được liên thông học thạc sĩ, đồng thời tăng mức tiền thưởng lên gấp đôi so với mức "chỉ có ý nghĩa tượng trưng" như hiện nay. Cũng liên quan tới chế độ đãi ngộ, cựu SV Đậu Thanh Hoan, (giải nhì SV NCKH năm 2007) tâm sự: "Tôi tham gia NCKH và đoạt giải nhưng thành tích đó chẳng ảnh hưởng gì tới việc xếp loại tốt nghiệp cả. Trong khi các bạn không tham gia nghiên cứu thì có thời gian tập trung vào học và thi đạt điểm cao, tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường, có điều kiện học tiếp. Theo tôi, SV NCKH giành giải cao cần được ưu tiên như tuyển thẳng vào cao học hoặc giữ lại trường công tác..."
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cấp học bổng đào tạo ĐH tại các nước phát triển cho các SV NCKH có thành tích đặc biệt xuất sắc, đồng thời đề nghị các trường nâng kinh phí cho các đề tài NCKH của SV. Giải thưởng SV NCKH sẽ được đổi thành Giải "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" với mục đích mở rộng đối tượng dự thi cho các giảng viên trẻ ở các trường ĐH, học viện, vốn đang bị bỏ quên. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về SV nghiên cứu khoa học sẽ được xây dựng để theo dõi và bồi dưỡng về sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.