Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có tầm nhìn dài hạn

Đan Nhiễm| 26/11/2016 07:20

(HNM) - Những năm qua, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc góp phần rút ngắn dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng, đô thị trên địa bàn Thủ đô, củng cố niềm tin của đồng bào vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.


Tuy nhiên, trên bình diện chung, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bởi cả lý do khách quan và chủ quan. Trước hết là nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực thuộc các xã vùng dân tộc miền núi rất lớn, nhưng việc bố trí nguồn lực còn hạn chế; kết cấu hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp. Các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng giáo dục chưa đồng đều...

Cùng với đó, do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế dẫn đến nguồn lực dự kiến bố trí đầu tư các chương trình, dự án cơ sở hạ tầng vùng DTTS gặp khó khăn. Ngoài ra, việc đề nghị quy mô đầu tư ở một số địa phương chưa sát với thực tế, làm giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí đến nguồn kinh phí chung; công tác kiểm tra, giám sát nhất là tại cơ sở trong việc thực hiện chính sách dân tộc còn hạn chế.

Những thực tế trên đòi hỏi công tác dân tộc thời gian tới cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS, trước hết là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình, dự án phát triển sản xuất, công trình dân sinh bức xúc. Coi trọng việc đầu tư hỗ trợ sản xuất, để đồng bào có thể tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn. Tập trung giải quyết tốt nhu cầu về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt. Phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phát triển hàng hóa xuất khẩu; có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào vùng DTTS, hỗ trợ đồng bào phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, cần sớm sửa đổi chính sách không còn phù hợp. Đó là chính sách trợ giá, trợ cước theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31-3-1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP.

Các chính sách này cần phải sửa đổi, bổ sung vì: Các mặt hàng được trợ cước, trợ giá để tương đương với các vùng miền khác của thành phố; giao thông thuận lợi, giao lưu hàng hóa phát triển, đồng bào có thể ra khỏi nhà là mua được các mặt hàng trợ cước đó; những năm gần đây, 100% hộ đồng bào DTTS đã được sử dụng điện lưới quốc gia, vì vậy nhu cầu dùng dầu hỏa để thắp sáng là không còn; nhân dân hiện nay dùng bột canh trong sinh hoạt gia đình, vì vậy không còn nhu cầu dùng muối trộn i ốt như trước đây...

Chú trọng các chính sách phát triển nguồn nhân lực đối với vùng DTTS; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ là người DTTS; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên DTTS, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động là con em DTTS vào làm việc.

Trên cơ sở rà soát những bất cập, cần từng bước xây dựng, bổ sung các chương trình có tính đặc thù cao, có tầm nhìn dài hạn với mục tiêu định hướng cho người dân chủ động vươn lên phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có tầm nhìn dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.