Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có quy chuẩn quản lý hạ tầng kỹ thuật

Việt Tuấn| 05/04/2014 07:00

(HNM) - Nhiều vấn đề đang gây khó khăn cho nhiều địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh ở TP Hà Nội.

Hoạt động vệ sinh môi trường, duy tu hạ tầng kỹ thuật đang chịu áp lực lớn của quá trình đô thị hóa. Ảnh:Thanh Hải


Quận Long Biên đang trong quá trình đô thị hóa nhanh với nhiều khu đô thị, tuyến đường mới, dẫn đến khối lượng công việc duy trì VSMT và duy tu HTKT cũng tăng nhanh, trong khi ngân sách phân bổ từ thành phố thì không tăng. Giai đoạn 2011-2014, ngân sách chi cho hoạt động duy trì VSMT và duy tu HTKT trên địa bàn quận chỉ từ 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng/năm, nhưng mỗi năm Long Biên phải cân đối 20 tỷ đồng đến 25 tỷ đồng cho hoạt động này, gây khó khăn cho điều hành ngân sách của quận. Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho biết, trước vấn đề tăng chi phí cho hoạt động VSMT và duy tu công trình HTKT, quận đã xem xét lại quy trình, yêu cầu nhà thầu đưa cơ giới vào để giảm chi phí và hiệu quả hơn. UBND quận đã họp với các cơ quan liên quan của quận và khoanh thành các vùng để thực hiện duy trì VSMT sao cho phù hợp, đồng thời đặt ra yêu cầu đối với các nhà thầu. Những tuyến đường mới mở và khu đô thị thì áp dụng cơ giới hóa; những nơi đủ điều kiện thì đặt thùng rác có nắp và hoạt động theo khung giờ quy định, thu gom bằng xe cơ giới; còn lại địa bàn xe cơ giới không vào được thì thu gom thủ công. Ngoài ra, quận Long Biên đã mạnh dạn đầu tư một trạm ép rác, đảm nhận 40% khối lượng rác ép trước khi vận chuyển đến bãi rác tập kết. Dự kiến, trong năm 2014, quận sẽ đưa vào sử dụng thêm 2 trạm ép rác nhằm bảo đảm 100% lượng rác được ép trước khi vận chuyển, tránh việc nước rác chảy dọc đường gây mất VSMT. Năm 2013, quận đã thực hiện thí điểm phương thức trên và hiệu quả rõ nét, được coi là sáng kiến, nhưng bất cập ở chỗ thanh toán khó khăn, bởi thành phố chưa có quy trình, định mức, đơn giá thanh toán bằng xe cơ giới, mà chỉ có quy định thanh toán bằng phương pháp thủ công.

Quận Hà Đông và quận Cầu Giấy cũng gặp khó khăn tương tự, chính vì không thanh toán được theo quy trình cơ giới hóa, nên hiện tại hai quận vẫn tiếp tục duy trì VSMT bằng thủ công, chi phí nhân công tăng và ngân sách dành cho công việc này năm sau cao hơn năm trước. Theo Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, môi trường và hệ thống ngầm (Sở Xây dựng) Trần Trọng Hiếu, thực tế nhiều quận nội thành đã áp dụng cơ giới hóa trong duy trì VSMT hiệu quả hơn là thủ công, giảm chi ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, nguyên tắc các địa phương có công nghệ mới thì phải báo cáo, đề xuất với UBND thành phố làm quy trình định mức, đơn giá, nhưng hầu như các quận đều chưa làm việc này.

Theo rà soát, mỗi quận nội thành có từ 3 đến 4 khu đô thị mới, nhưng công tác duy trì VSMT và quản lý HTKT ở đây chưa đồng nhất. Tại hầu hết khu đô thị, việc duy trì VSMT là do cấp quận, còn thành phố thì thực hiện quản lý HTKT. Bà Trần Thị Lương An, Trưởng ban Quản lý dự án Khu đô thị Mỗ Lao - đơn vị được UBND quận Hà Đông đặt hàng trong thực hiện duy trì VSMT và duy tu HTKT trên địa bàn đề xuất, UBND TP Hà Nội nên giao cho các địa phương thực hiện duy trì VSMT và duy tu HTKT cho đồng bộ, tránh việc địa phương quản lý phần VSMT, thành phố quản lý HTKT (hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh…) thiếu đồng nhất. Tuy nhiên, khi giao cho cấp quận quản lý, duy trì thì thành phố cũng nên giao kinh phí, chứ để các địa phương tự cân đối là khó khăn.

Tới đây, Sở Xây dựng sẽ rà soát, đánh giá lại định mức duy tu, duy trì HTKT và VSMT để bảo đảm tính đúng, tính đủ định mức, hạn chế lãng phí ngân sách. Đặc biệt, Sở Xây dựng cần tham mưu cho thành phố xây dựng định mức, đơn giá cho các hạng mục công việc cơ giới hóa theo quy trình đổi mới công nghệ duy trì VSMT để các quận có cơ sở thực hiện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có quy chuẩn quản lý hạ tầng kỹ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.