(HNM) - Hà Nội có hơn 626km đê các loại và hệ thống đê được hình thành, phát triển từ hàng trăm năm. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về vật liệu xây dựng (XD) của Hà Nội cao dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đê điều (ĐĐ) lớn, diễn biến phức tạp.
Thêm vào đó, tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai bão lũ ngày càng bất thường, cực đoan nên cần phải XD phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm để bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân. Để hiểu rõ về phương án này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội.
- Năm 2015, TP Hà Nội đã có phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm. Là cơ quan chuyên môn, trực tiếp thực thi nhiệm vụ bảo vệ đê, ông có thể cho biết đâu là cơ sở XD phương án này?
- Những năm gần đây, hệ thống đê điều của thành phố được tập trung đầu tư tu bổ, nâng cấp nên chất lượng ĐĐ được nâng lên, từng bước xóa được một số trọng điểm, điểm xung yếu. Trên cơ sở tài liệu quản lý và qua thực tế diễn biến chống lũ hằng năm cũng như kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình ĐĐ trước lũ là cơ sở cho việc XD phương án bảo vệ trọng điểm. Năm 2015, TP Hà Nội xác định 4 trọng điểm cấp thành phố (1. Khu vực đê, kè Xuân Canh, cống Long Tửu, đê Tả Đuống - huyện Đông Anh; 2. Khu vực đê kè Thanh Am - Tình Quang, đê Hữu Đuống - quận Long Biên; 3. Công trình cống Liên Mạc, đê Hữu Hồng - quận Bắc Từ Liêm; 4. Cụm công trình cống qua đê Yên Sở, đê Hữu Hồng - quận Hoàng Mai). Đây chính là những điểm, vị trí có thể xảy ra sự cố ĐĐ trong chống lũ. Ngoài ra còn có 8 điểm xung yếu cũng là những vị trí cần được quan tâm nhưng mức độ nguy hiểm không bằng trọng điểm. Ngày 22-5-2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2317/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án phòng chống lụt bão và bố phòng hộ đê năm 2015 TP Hà Nội, trong đó có 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu.
- Theo phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm thì biện pháp xử lý khi có sự cố gồm những phương án gì, thưa ông?
- Mỗi trọng điểm đều có dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra, ứng với từng tình huống phương án kỹ thuật, vật tư, phương tiện, thiết bị, nhân lực cụ thể. Ví dụ đối với trọng điểm cống Long Tửu, đây là cống lớn thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống; được XD năm 1960, tại vị trí K1+507 đê tả Sông Đuống, làm nhiệm vụ cung cấp nước cho Trạm bơm Trịnh Xá, tỉnh Bắc Ninh và một số trạm bơm của huyện Đông Anh. Công trình này do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống thuộc Sở NN&PTNT Bắc Ninh quản lý khai thác sử dụng. Hằng năm trước mùa mưa bão, UBND TP Hà Nội phối hợp với tỉnh Bắc Ninh thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão công trình cống Long Tửu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Mùa mưa bão năm 2015, dự kiến khu vực này có thể xảy ra một số sự cố (cánh cống bị bục; cống đóng không sát đáy do vướng vật cản; hạ lưu cống bị xói sâu; xảy ra tổ hợp nhiều sự cố một lúc), phương châm “bốn tại chỗ” được đề ra cụ thể để xử lý sự cố có thể xảy ra: Chỉ huy tại chỗ (Ban Chỉ huy PCLB cống Long Tửu thành lập theo Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 25-5-2015 của UBND TP Hà Nội); nhân lực tại chỗ 100 người (hai xã Xuân Canh, Đông Hội), 950 đồng chí bộ đội, 62 xe tải do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội điều động; vật tư tại chỗ (có sẵn trong kho, bãi vật tư); hậu cần tại chỗ (hai xã Xuân Canh, Đông Hội) theo phương án được duyệt.
- Còn đối với các vị trí xung yếu và hộ đê toàn tuyến thì Hà Nội đã có phương án bảo vệ như thế nào? Trên địa bàn Hà Nội cũng có diện tích rừng. Vậy Hà Nội có phương án gì khi có sự cố lũ quét, lũ rừng ngang?
- Đối với các vị trí đê, kè xung yếu, thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã XD phương án bảo vệ. Trên cơ sở dự kiến tình huống sự cố có thể xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp huyện chuẩn bị đầy đủ số lượng, chủng loại vật tư, phương tiện, nhân lực, cán bộ chỉ huy, kỹ thuật, hậu cần tương ứng cho từng phương án, tổ chức tập huấn, diễn tập xử lý tình huống sự cố cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống lụt bão. Ngoài phương án bảo vệ cho các trọng điểm và các điểm xung yếu, trên các tuyến đê vẫn còn ẩn họa trong thân đê, nhất là các tuyến đê phân lũ và các tuyến đê cấp IV nhiều năm không được thử thách với lũ. Ban Chỉ huy PCTT các quận, huyện, thị xã XD phương án hộ đê toàn tuyến đề phòng các tình huống bất trắc xảy ra. Với các vùng có nguy cơ cao (về sạt lở đất, lũ rừng ngang, khu vực dân cư ven sông, suối…) tại địa bàn huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức… đã XD phương án sơ tán, bảo đảm đời sống nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra; tuyên truyền vận động nhân dân chủ động chuẩn bị và sẵn sàng phòng, chống lụt, bão, úng ngập; tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, bão; chủ động mọi nguồn lực, chỉ huy sâu sát, quyết liệt, cụ thể, xử lý kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống có thể xảy ra. Các đồng chí lãnh đạo thành phố, thành viên Ban Chỉ huy PCTT thành phố được phân công phụ trách cụ thể từng địa bàn, thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp công tác PCTT.
- Phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm được đưa ra cụ thể. Vậy để người dân hiểu, có ý thức thực hiện Luật Đê điều hạn chế thấp nhất các trường hợp vi phạm, Hà Nội đã có phương án gì?
- Để người dân hiểu, có ý thức hơn trong việc thực hiện Luật Đê điều, hạn chế các trường hợp vi phạm, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm; tổ chức cắm mốc chỉ giới bảo vệ ĐĐ, chỉ giới thoát lũ tại một số tuyến đê làm cơ sở cho công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ĐĐ đến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các sở, ban, ngành, theo chức năng nhiệm vụ được giao đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về ĐĐ, công trình thủy lợi. Để nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về ĐĐ trên địa bàn thành phố, xác định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá nhân có thẩm quyền, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm pháp luật về ĐĐ, UBND thành phố ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 14-3-2014 kèm theo “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về ĐĐ trên địa bàn TP Hà Nội”.
- Trân trọng cám ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.