Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có lộ trình phù hợp

Bảo Nga - Ngọc Thủy| 24/03/2012 07:15

(HNM) - Trong tuần, thông tin

Đề xuất của Bộ GTVT cần có lộ trình phù hợp để đạt hiệu quả tốt. Ảnh: Hồ Như


Ông Trần Trung Kiên (Giám đốc Công ty TNHH & DV Thương mại Quỳnh Anh, quận Ba Đình): Nên có mức khởi điểm thấp

Mục tiêu chính của việc tăng loại phí và mức phí đối với ô tô, nhất là mức thu cao của loại phí "hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ" chính là hạn chế lưu lượng xe ô tô lưu thông trên đường, thủ phạm chính gây ùn tắc giao thông, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội. Nếu được triển khai, mức thu phí này chắc chắn sẽ đạt hiệu quả trong việc hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân, từ đó giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và tạo nguồn thu cho ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông. Mục tiêu đề ra là rất đúng đắn, bởi nếu tính tổng số tiền mà người sở hữu, sử dụng ô tô sẽ phải chi cho chiếc xe của mình khoảng 60 triệu đồng một năm, thì chắc chắn ít có người "chịu" được. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu, xem xét có thể đưa ra một lộ trình thu phí phù hợp với mức khởi điểm thấp hơn, tăng dần theo từng năm để người dân đỡ "sốc".

Anh Phạm Trung Kiên (CT 9 Định Công, quận Hoàng Mai): Phải linh hoạt, có những điều chỉnh phù hợp

Tôi thấy có nhiều điểm tích cực trong đề xuất thu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân  của Bộ GTVT. Trước tiên, Bộ GTVT đổi tên từ "Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ" thành "Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ" là hợp lý. Về cơ bản, mức thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ hầu như không thay đổi so với đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ (chỉ khác mức thu năm sau được tính tăng 5% so với năm trước, thay vì 10% như đề xuất trước đây). Song về bản chất, việc đổi tên đã phản ánh chính xác, bám sát nội dung và mục tiêu của loại hình phí này, không gây hiểu lầm "tất cả xe cơ giới lưu hành trên đường đều phải thu phí" như tên gọi trước đây. Thứ hai, việc Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian thực hiện thu phí đối với mô tô, xe máy ít nhất 6 tháng kể từ khi thu phí ô tô là hợp lý, bởi bất cứ một chủ trương, chính sách nào mới ra đời đều cần có một lộ trình thực hiện để cả cơ quan quản lý và người dân dần làm quen. Lâu nay, ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi nhức nhối của Hà Nội, trong điều kiện chưa thể ngay lập tức nâng cấp hạ tầng giao thông, thì hạn chế phương tiện cá nhân là giải pháp khả thi nhất. Nếu cứ giữ mức đăng ký mới phương tiện tăng 15%/năm như hiện nay, thì chỉ 3-5 năm nữa, Hà Nội sẽ không còn chỗ để len chân. Chủ trương nào cũng có tính hai mặt, vì vậy, trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT cần phải linh hoạt, lắng nghe ý kiến người dân để điều chỉnh cho phù hợp, không nên cứng nhắc.

Ông Hoàng Mạnh Linh (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên): Mức phí đối với xe máy chưa thỏa đáng

Theo đề xuất của Bộ GTVT, mức thu phí một năm với ô tô là từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy dung tích xylanh. Trong khi đó, mức thu của xe máy là 500.000 đồng/năm đến 1 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, cả nước hiện có khoảng 37 triệu xe cơ giới, trong đó có 2 triệu ô tô và 35 triệu xe máy. Thế nhưng, theo như đề xuất của Bộ GTVT, thì chủ yếu nhằm vào hạn chế phương tiện ô tô, chứ chưa quan tâm đến hạn chế phương tiện xe máy. Với số tiền từ trên 20 triệu - trên 40 triệu người dân có thể sở hữu một chiếc xe máy khá đẹp. Nếu mức phí đánh vào loại xe này chỉ 500.000 đồng/năm, thì chắc chắn không thể khiến người dân "sợ tốn tiền phí" mà hạn chế mua xe máy...

Anh Vũ Bá Bình (Khu tập thể Nhà máy Dệt 8-3, quận Hai Bà Trưng): Các doanh nghiệp ô tô sẽ lao đao

Trong khi ngành công nghiệp ô tô được coi là ngành mũi nhọn, có tiềm năng phát triển, thì việc áp các loại phí cao như phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, chắc chắn sẽ giáng một đòn chí tử vào ngành này. Trên thực tế, ngay từ khi loại phí này chưa được áp dụng, một số nhãn hiệu ô tô hàng đầu thế giới tại Việt Nam đã phải thu hẹp sản xuất. Đơn cử như đại diện một hãng ô tô của Đức có trụ sở ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa hơn một tháng nay đã phải thu hẹp diện tích bán hàng, trưng bày sản phẩm để nhường chỗ cho quán cà phê, nhà hàng ăn uống. Khi chi phí cho một chiếc xe tăng lên đồng nghĩa với việc hạn chế số lượng người có khả năng thanh toán, thị trường sẽ bị thu hẹp, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất ô tô lao đao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của 60.000 lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp ô tô, mà còn tác động không nhỏ đến các ngành kinh tế, dịch vụ khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần có lộ trình phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.