Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có khung pháp lý cho việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

07/03/2015 07:25

(HNM) - Chính phủ, Bộ GTVT đã và đang quyết liệt triển khai công tác xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không… và coi đây là giải pháp đột phá


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:


Việc bán quyền khai thác một số tuyến đường cao tốc để lấy vốn đầu tư là một trong các biện pháp đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Vấn đề cơ bản là phải có khuôn khổ pháp lý quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên để bảo đảm lợi ích phát triển kinh tế, lợi ích của nhân dân và không phải nhà đầu tư nào cũng được phép mua lại công trình nhà nước đầu tư. Thí điểm bán quyền khai thác một số sân bay, như bán 100% vốn quyền khai thác sân bay Phú Quốc, sảnh E-nhà ga T1 sân bay Nội Bài… cũng là những việc cần thực hiện nhưng phải có khung pháp lý rõ ràng và phải có quy định pháp luật nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, nếu không có thể khiến hành khách bị phân biệt đối xử, tạo bất lợi cho quá trình phát triển ngành hàng không. Trên thế giới, khu vực đầu tư tư nhân đã có kinh nghiệm hoạt động hàng trăm năm nay. Họ cạnh tranh với nhau, đấu thầu như thế nào đều đã biết và có thể đánh giá. Đối với chúng ta, khu vực tư nhân, năng lực, trách nhiệm giải trình, sự giám sát... chưa đạt trình độ quốc tế. Vì thế, cần có khung pháp luật, tiến hành từng bước thận trọng và rút kinh nghiệm, có sự bổ sung, hỗ trợ. Nếu triển khai ồ ạt, không chuẩn bị kỹ lưỡng dễ dẫn tới hiệu quả kém.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Hiện nhiều bộ, ngành, địa phương có tâm lý lo ngại nhà đầu tư không tham gia cho nên ít quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Có địa phương đã giao cho nhà đầu tư thực hiện thu phí nhưng sau đó lại hủy hợp đồng. Ðối với nhà đầu tư, nếu có lợi nhuận thì sẽ đầu tư. Để dự án xã hội hóa thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông thành công, cần những bản hợp đồng rõ ràng; xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch, có tính lâu dài để tránh "tư duy nhiệm kỳ", thời điểm này được khuyến khích, nhưng nhiệm kỳ sau lại bị ghẻ lạnh.

Ông Nguyễn Thành Trung, phường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai:

Chủ trương cho tư nhân tham gia xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã triển khai ở nước phát triển nhiều năm. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó. Theo kế hoạch, tháng 4-2015, Bộ GTVT sẽ công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Theo tôi hiểu, việc xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông nếu muốn thành công thì phải bảo đảm hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước-doanh nghiệp-người dân. Nhà nước được công trình, doanh nghiệp được lợi nhuận, còn người dân được thụ hưởng những tiện ích mà các công trình đó mang lại. Và quan trọng hơn là trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn chế, chủ trương đẩy mạnh xã hội hội hóa đầu tư hạ tầng sẽ tạo sức lan tỏa để từ đó phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Tuy nhiên, là một người dân, tôi rất lo ngại khi các nhà đầu tư tư nhân đã thực sự là "chủ" của các tuyến đường cao tốc, các nhà ga, sân bay thì liệu có tăng các loại phí đường, phí dịch vụ. Bởi nguyên tắc của nhà đầu tư là lợi nhuận, trong khi mặt bằng thu nhập chung của người dân còn thấp. Vì vậy, Nhà nước, Bộ GTVT cần có những biện pháp quản lý cụ thể nhằm kiểm soát vấn đề này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần có khung pháp lý cho việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.