(HNM) - Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đây là đầu ra của nhiều loại sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, đồng thời cung ứng loại hàng hóa đặc biệt cho xã hội là nhà ở... Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của thị trường này gặp không ít khó khăn.
Thực tế cho thấy, hiện hệ thống pháp luật liên quan đến các dự án về nhà ở còn chồng chéo, gây nhiều vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa bất động sản còn bất hợp lý, nhà ở cao cấp, trung cấp chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nhà giá rẻ, nhà xã hội lại thiếu hụt. Thông tin về thị trường chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Giá nhà ở có xu hướng tăng so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế… Những bất cập trên được đánh giá là “căn bệnh nan y” chưa tìm được “thuốc chữa” hiệu quả.
Dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư, càng làm cho những bất cập của thị trường bất động sản bộc lộ rõ hơn. Nguồn cung bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020, khiến chênh lệch cung - cầu ngày càng lớn, đẩy giá nhà ở tiếp tục tăng cao. Thống kê gần đây cho thấy, ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm nhà ở giá rẻ gần như vắng bóng, trong khi những dự án phân khúc trung bình có giá cao, tiệm cận với phân khúc cao cấp.
Hệ quả của những bất cập trên là tình trạng “sốt nóng” cục bộ xảy ra, làm thị trường mất ổn định; người dân có nhu cầu khó tiếp cận với nhà ở; doanh nghiệp cũng tăng thêm gánh nặng thủ tục, chi phí; dự án bất động sản bị kéo dài thời gian triển khai, chậm đưa vào thị trường…
Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, thực sự là động lực cho nền kinh tế? Theo các chuyên gia, giải pháp lâu dài, căn cơ là phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…). Cụ thể là sửa đổi, xử lý các tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn; có chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các chính sách khuyến khích đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ. Việc phát triển nhà ở phải tuân thủ theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm cân đối, hài hòa lợi ích, vừa theo quy luật thị trường nhưng cũng cần có sự điều tiết của nhà nước để bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở.
Còn trước mắt, giải pháp quan trọng nhất là cần nhanh chóng tăng nguồn cung cho thị trường thông qua việc tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần nhìn nhận theo hướng thúc đẩy thị trường bất động sản là hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, là tạo thêm việc làm cho xã hội. Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch thông tin dự án, tiến độ đầu tư, thủ tục pháp lý… phải được thực thi nghiêm túc, đi đôi với kiểm tra, xử lý tình trạng đầu cơ, làm giá, gây sốt ảo. Để làm được điều này, các cấp, ngành, doanh nghiệp cùng phải vào cuộc, chung sức.
Được biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, soạn thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Tương tự, nhiều tỉnh, thành phố cũng xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Đây là định hướng phát triển có tính chất nền tảng, song cũng cần có giải pháp đột phá để bảo đảm đạt mục tiêu đề ra về nhà ở, đồng thời góp phần tạo lập thị trường bất động sản ổn định, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.