Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có diễn đàn đối thoại với nhà thơ trẻ

Thi Thi| 08/09/2013 06:34

(HNM) - Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hiện là phóng viên của ấn phẩm Thời nay (Báo Nhân dân) - một gương mặt xuất hiện khá đều đặn trên sân thơ trẻ của Ngày thơ Việt Nam những năm gần đây.

Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

- "Lòng ta chùa chiền" hình như đã nói hộ một tâm tư xuyên suốt của anh trong tập thơ này, cũng như các tập thơ trước đó: Một nỗi hoang hoải về quá khứ, sự tự dằn vặt mình trong cuộc sống hôm nay?

- Tôi không cảm thấy mình u hoài đến mức bỏ bẵng thực tại. Tôi quan tâm những giá trị bền vững được sản sinh, bồi đắp qua thời gian dài, cho đến hôm nay vẫn song hành và lung linh một cách sinh động, tươi tắn trong cuộc sống thường nhật. Chẳng phải sao khi hôm qua cũng thế, hôm nay và ngày mai cũng vậy, chúng ta vẫn hương khói trên ban thờ, trong các dịp lễ lạt, tết nhất… vừa nhớ thương những bóng hình cũ, vừa khấn nguyện và hy vọng cho những ngày mai tốt đẹp hơn, thanh thản hơn? Cũng như thế, bao nhiêu ý tưởng đẹp đẽ, cao cả và nhân hậu mà ta nhận ra từ những lời dạy trong tôn giáo, tín ngưỡng, nếp sinh hoạt văn hóa, trong sự duy trì các phong tục, tập quán… cho đến nay và mai sau, chúng sẽ còn hiện hữu trong đời sống.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng.


Niềm trân trọng vẻ đẹp bền vững của quá khứ, với tôi, cũng có liên hệ với việc tìm thấy giá trị đương thời của chúng. Và, chính sự hài hòa quá khứ - thực tại để hướng tới ngày mai cũng là một cách để xoa dịu mâu thuẫn, những xung đột diễn ra trong bản thân và trong đời sống hôm nay.

- Với câu thơ "Một người trai chải tóc ngồi dậy/Đạp xe lại phố bàng xưa" cùng nhiều hình ảnh khác nữa, hình như đều ẩn giấu một nỗi thương nhớ cái hào hoa Hà Nội thuở xưa…?

- Những câu thơ này tôi viết cho bố tôi, một người thợ thêu trong một gia đình làm nghề thêu ở các phố Hàng Nón, Hàng Trống, Hàng Mành… trong những năm trước và sau 1945. Có biết bao dồn nén riêng tư ở bài thơ này, từ những điều bố tôi kể lại, về những ngôi nhà cũ với nếp sinh hoạt trong một gia đình thị dân Hà Nội, về những ngày khói lửa, về nỗi buồn thăm thẳm khi thành phố dần đổi thay. Có lần, một người quen hẹn gặp bố tôi ở gần chùa Quan Hoa bên hồ Thiền Quang, bố tôi đi từ Hà Đông ra, vòng đi vòng lại mãi mới nhận ra được. Vậy mà thuở xưa, ngày còn niên thiếu, cũng bên hồ, bố tôi thường xuyên học nhạc trong lớp của một vị linh mục và các nhạc sĩ. Những chuyện buồn man mác ấy của một người Hà Nội bình thường như bao người khác vẫn ám ảnh tôi khi nghĩ về gia đình, dòng họ, về cuộc sống cá nhân trong biến đổi thời cuộc.

- Vì sao trong "Lòng ta chùa chiền" và cả tập thơ trước đó, lại cứ phải là thơ như văn xuôi mà không phải là thơ truyền thống, hay một thể dạng nào quen thuộc, dễ đọc?

- Tập "Mùa Vu Lan" tôi in năm 2011 cũng vần điệu nối nhau đấy chứ! Lại có các bài lục bát nữa. Như là: "… Chiếu chùa nằm đợi yếm đào/Sao người để gió ra vào chiếu tôi…".

Có thể chị đang nhắc đến tập "Vườn ánh sáng" in năm 2008, nhưng lại tập hợp những bài viết sau "giai đoạn" "Mùa Vu Lan" vốn thuộc về thời sinh viên và "hậu" sinh viên. Từ "Mùa Vu Lan", qua "Vườn ánh sáng", đến "Lòng ta chùa chiền" là sự biến đổi về cảm nhận và thao tác trong tôi, chúng rất tự nhiên, theo ý thích. Và ngày càng theo chiều hướng muốn khai phá nhiều hơn ở sức tưởng tượng chứ không muốn lệ thuộc vào thể loại nữa. Ở đây, với tôi, viết tự do, kéo dài, dàn trải sẽ thể hiện được nhiều hơn, có thể dồn nén ý nghĩ và sự hình dung của mình; mặt khác, chúng mang lại hứng thú thử nghiệm, muốn viết cho khác đi.

- Nhưng, những thử nghiệm ấy có thể lạc lối, nhất là khi nó không còn giữ được sự giản dị rất cần thiết của thơ? Anh có lo ngại về điều đó?

- Cái giản dị là cái chúng ta vươn tới, nhưng về cách thể hiện thì tôi nghĩ không thể đơn giản. Đôi khi vẫn phải có sự dồn nén, phức tạp để thể hiện những điều giản dị nhất của cuộc sống với tính hàm súc của ngôn từ. Tôi thích mình dần mới hơn trong sáng tạo, khác hơn về những điều muốn nói và cách nói. Việc đó sẽ thôi thúc, lôi kéo mình suy ngẫm, liên tưởng và tác động vào việc khai thác, thể hiện ngôn ngữ. Tôi cho rằng những gì mình hình dung, suy tưởng cần phải được thể hiện một cách cẩn trọng, như những sản phẩm của sự chọn lựa nghiêm túc… Chẳng hạn, khi viết bài "Từ thôn Nghĩa Lộ" - thơ tự do, tôi cứ nghĩ mãi về hoàng hôn trên cánh đồng, rồi từ từ viết ít một: "Cỏ rộng mãi/Cặp chuồn chuồn ớt cõng nhau bay từ nghìn năm trước/Đang hiện ra rực rỡ mây chiều…".

Một điều cuối cùng, tôi kỳ vọng người đọc sẽ chia sẻ và bằng những phương pháp thẩm định nhất định hãy cùng với nhà thơ thấu hiểu tác phẩm.

- Như thế nghĩa là có một sự thiếu vắng phê bình với thơ? Anh có nghĩ thơ trong cuộc sống hôm nay vốn đã bị "lép vế", nhưng thơ của những người trẻ đang tìm tòi đổi mới với giọng điệu khác lạ lại càng khiến công chúng băn khoăn hơn?

- Xin cùng chị gửi câu hỏi về sự thiếu vắng này đến nhà phê bình, cũng như nỗi lo lắng về sự "lép vế" và nỗi băn khoăn về thơ trẻ. Tôi thấy cần có nhiều diễn đàn để cho các chuyên gia và công chúng rộng rãi - cũng chính là những người phê bình từ góc độ của họ - có thể đối thoại một cách cởi mở với các cây bút trẻ.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có diễn đàn đối thoại với nhà thơ trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.