Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có cơ chế chính sách phù hợp

Lâm Vũ| 10/07/2012 07:21

(HNM) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được Nhà nước triển khai từ giữa năm 2008 nhưng đến cuối năm 2011 mới có khoảng 104 nghìn người tham gia. Vì sao người dân không mặn mà với BHXH tự nguyện? Phải chăng chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn và cần phải điều chỉnh để nâng cao độ bao phủ, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội dài hạn?


Chính sách chưa hợp lý


Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đối tượng tham gia của BHXH tự nguyện là những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc như nông dân, người tự tạo việc làm... Mức phí BHXH tự nguyện tối thiểu bằng 16% mức lương tối thiểu. Khi đến tuổi nghỉ hưu, đối tượng tham gia sẽ nhận lương hưu hằng tháng nếu đã có tối thiểu 20 năm đóng bảo hiểm.


Cần có những giải pháp tích cực để khuyến khích người lao động sớm tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Thu Giang

Quy định đối tượng tham gia bảo hiểm phải có khoảng thời gian đóng phí bảo hiểm nhất định thì mới có quyền hưởng lương hưu là nhằm bảo đảm giá trị tồn tích của quỹ hưu trí đủ lớn để tránh sự mất cân đối về tài chính giữa giá trị hiện tại của các khoản đóng phí bảo hiểm với mức trợ cấp hưu trí mà người đó được hưởng. Tuy nhiên, quy định này cũng làm giảm khả năng tham gia của những lao động cao tuổi có nguyện vọng và đủ khả năng tài chính nhưng không còn đủ thời gian đóng BHXH, bởi nếu tham gia thì họ sẽ chỉ được thanh toán bảo hiểm một lần mà mức hưởng một lần lại thấp. Số liệu điều tra mới nhất cho thấy trong số trên 28 triệu người từ 15 đến 65 tuổi đối với nam và từ 15 đến 60 tuổi đối với nữ mà việc làm chính của họ không phải là làm công hưởng lương thì số nam giới có tuổi từ 46 đến 65 và nữ từ 41 đến 60 tuổi chiếm 42,2%. Như vậy, trên 12 triệu lao động này sẽ không có cơ hội nhận được điều họ muốn khi tham gia BHXH.

Theo tính toán, quy định mức lương hưu cao nhất bằng 75% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với nam có 30 năm và nữ 25 năm đóng BHXH là tương đối cao, có ý nghĩa khuyến khích đối tượng tham gia vào hệ thống. Tuy nhiên, kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 đối với nữ tham gia đóng BHXH thì ngoài lương hưu, người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần với mức trợ cấp cho mỗi năm tham gia bằng nửa tháng lương bình quân. Quy định này không khuyến khích đối tượng tham gia hệ thống lâu hơn 30 năm đối với nam và 25 năm đối với nữ bởi chỉ với mức đóng BHXH hằng tháng bằng 16% mức thu nhập thì mỗi năm đối tượng đã đóng một khoản tiền tương ứng 1,92 lần mức thu nhập tháng đóng BHXH.

Mức hưởng lợi cao nhất thuộc về người có thời gian tham gia BHXH 30 năm đối với nam và 25 năm đối với nữ, bởi vậy nhiều người trì hoãn tham gia vào hệ thống khi còn trẻ (dưới 35 tuổi đối với nam và 30 tuổi đối với nữ) hoặc dừng tham gia BHXH khi đã có thời gian tham gia đủ để được hưởng 75% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH dù chưa đến tuổi nghỉ hưu. Điều này cũng khiến số người tham gia BHXH tự nguyện giảm.

Cần sự thay đổi quyết liệt

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, để nâng cao độ bao phủ thì hỗ trợ lao động trẻ tham gia BHXH tự nguyện là một giải pháp cần thiết. Do mức sống của người dân còn thấp và trình độ hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của BHXH còn hạn chế nên để khuyến khích người lao động sớm tham gia BHXH tự nguyện, giảm thiểu thời gian trì hoãn tham gia hoặc thậm chí không tham gia BHXH, Nhà nước cần hỗ trợ một phần phí đóng BHXH cho lao động trẻ trong thời kỳ đầu tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, cần xây dựng chính sách thích hợp để tạo cơ hội cho đối tượng nam trên 45 tuổi, nữ trên 40 tuổi tham gia BHXH tự nguyện. Để bảo đảm an sinh cũng như sự an toàn của quỹ BHXH, chính sách BHXH đối với nhóm đối tượng này có thể thiết kế theo dạng tài khoản cá nhân tượng trưng, bằng một số cách sau: Dựa trên cơ sở độ tuổi bắt đầu tham gia BHXH và tuổi nghỉ hưu theo quy định để xác định thời gian tham gia đóng BHXH của đối tượng; dựa trên cơ sở dự báo tốc độ tăng chỉ số giá sinh hoạt và tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm từ thời điểm đối tượng tham gia BHXH tới thời điểm đối tượng nghỉ hưu, xác định mức tiền lương tối thiểu tại thời điểm đối tượng nghỉ hưu để tính mức lương hưu thấp nhất của đối tượng tham gia. Việc tạo chính sách phù hợp cho lao động nam trên 45 tuổi và nữ trên 40 tuổi tham gia BHXH không chỉ mở rộng được độ bao phủ của chính sách BHXH tự nguyện (do ở độ tuổi này người lao động chú ý nhiều hơn đến cuộc sống khi về già và tiềm lực tài chính của những lao động này cũng tốt hơn do không còn phải chi phí nhiều cho nuôi dạy con cái), mà còn là bước khởi đầu cho quá trình chuyển đổi mô hình BHXH "tọa thu tọa chi" hiện nay sang mô hình tài khoản cá nhân tượng trưng để tiến tới hình thành một hệ thống BHXH công bằng, minh bạch và bền vững, loại bỏ được những điểm yếu trong hệ thống BHXH hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có cơ chế chính sách phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.