(HNM) - Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thêm 4.000km đường cao tốc trong 10 năm tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư và phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương nhằm tăng tốc triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ…
Dù hệ thống đường cao tốc của Việt Nam được quy hoạch và định hướng phát triển từ khá sớm, nhưng đến nay, sau gần 20 năm, cả nước mới đầu tư được 1.163km, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là hoàn thành 2.000km đường cao tốc vào năm 2020.
Trong báo cáo gửi Chính phủ vào cuối tháng 5-2021, Bộ Giao thông - Vận tải thừa nhận, trong giai đoạn 2004-2020, thời gian xây dựng bình quân của 19 đoạn tuyến cao tốc là khoảng 6 năm, chưa tính thời gian chuẩn bị đầu tư, thậm chí có dự án kéo dài hơn 8-9 năm. Việc tiến độ triển khai các tuyến cao tốc chậm trễ đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc cả nước hiện mới chỉ có 1.163km đường cao tốc là một trong những lý do khiến hạ tầng giao thông chưa có sự bứt phá, thậm chí còn tiếp tục là điểm nghẽn của nền kinh tế.
Không chỉ đầu tư kéo dài, một hạn chế rất lớn nữa của mạng đường cao tốc Việt Nam là việc phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt là tình trạng “trắng” cao tốc tại các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nghẽn chính khiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa thể cất cánh là do hạ tầng giao thông tại khu vực này rất yếu, nhất là việc thiếu một tuyến đường cao tốc trục dọc nối từ Cần Thơ tới thành phố Hồ Chí Minh, khiến chi phí logistics tại khu vực tăng cao.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông - Vận tải phấn đấu đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916km đường cao tốc đang đầu tư, nâng tổng số đường cao tốc trong cả nước lên 2.079km. Dự kiến đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000km và năm 2030 là 5.000km đường cao tốc. Về nhu cầu vốn đầu tư các tuyến cao tốc, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 395.670 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 209.164 tỷ đồng.
Khẳng định mục tiêu hoàn thành xây dựng mới gần 4.000km đường cao tốc trong 10 năm tới là rất khó nếu không có các cơ chế đặc thù, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng cho rằng, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư. Trong điều kiện vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, các dự án cao tốc đầu tư mới sắp tới sẽ phải huy động nguồn vốn xã hội hóa. Để đạt được mục tiêu này cần phải tháo gỡ các điểm nghẽn về tín dụng, phát triển trái phiếu hoặc quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nhiều chuyên gia còn kiến nghị Chính phủ “kích hoạt” gói tín dụng đặc biệt hỗ trợ vay vốn cho các dự án giao thông.
Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, để triển khai đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ đã kiến nghị Chính phủ xem xét việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương. Theo đó, các địa phương sẽ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc; bố trí ngân sách để chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và một phần chi phí xây dựng công trình; ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một phần. Các bộ, ngành sẽ tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hỗ trợ địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) và có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Đây được xem là khung pháp lý quan trọng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.
Với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn các dự án đầu tư theo phương thức PPP; chỉ đầu tư PPP đối với các dự án thực sự hiệu quả về tài chính. Đồng thời, việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu minh bạch. Cùng với đó, Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phù hợp về huy động tín dụng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn của nhà đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.