Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có chế tài đối với viên chức “xén” giờ làm việc

Hà Phong| 14/04/2010 07:22

(HNM) - Hôm qua (13-4), lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) cho ý kiến dự thảo Luật Viên chức và đã có nhiều tranh cãi về tính minh bạch trong quy định nhiệm vụ, quyền lợi giữa cán bộ công chức (CBCC) cơ quan công quyền và viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận (cơ quan thẩm tra dự án này), Luật Viên chức là dự án luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức. Tuy nhiên, nhiều quy định của dự thảo luật mới được xây dựng trên cơ sở mô phỏng những quy định tương ứng của Luật CBCC từ quy trình tuyển dụng, việc quản lý, sử dụng cũng như quyền, nghĩa vụ, chế độ chính sách…

Liên quan đến quy định viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc; được ký hợp đồng vụ việc với các cơ quan, tổ chức khác mà pháp luật không cấm; được tham gia góp vốn, thành lập công ty TNHH… nhiều đại biểu cũng tỏ ý băn khoăn. Để giải quyết tình trạng viên chức bớt giờ làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo quy định làm thêm ở mức độ nào cho bảo đảm chất lượng, vì thực tế giám sát cho thấy có giảng viên ĐH dạy đến 1.000 giờ/năm. Trưởng ban Dân nguyện của QH, ông Trần Thế Vượng cảnh báo, nếu không làm rõ được vấn đề trên, rất có thể khi Luật Viên chức được ban hành, một bộ phận không nhỏ CBCC nhà nước sẽ rời bộ máy công quyền tìm việc ở các đơn vị sự nghiệp công có thu để cải thiện thu nhập, mức sống.

Gồm 8 chương, 70 điều, dự thảo Luật Viên chức dự kiến sẽ được trình QH xem xét thông qua trong năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012. Trong đó có điểm đột phá duy nhất so với cách thức quản lý hiện nay, đó là những viên chức tuyển dụng trước ngày 1-7-2003 (khoảng 1,2 triệu viên chức) mặc nhiên được chuyển tiếp sang chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn mà không phải ký hợp đồng lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần có chế tài đối với viên chức “xén” giờ làm việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.