(HNM) - Việc thực hiện thí điểm đã tinh giản được tổ chức bộ máy, tiết kiệm được biên chế, kinh phí, giảm được một số cuộc họp và thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc.
Đó là nhận định được đưa ra từ các cuộc kiểm tra của Ban Chỉ đạo TƯ về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc vừa được tổ chức. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những băn khoăn về cơ chế bảo đảm vai trò giám sát của người dân đối với chính quyền, thiếu hướng dẫn xây dựng quy chế làm việc của UBND huyện, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND…
Vẫn còn những băn khoăn khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường.Ảnh: Thái Hiền
Hiệu quả bước đầu
Theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, từ ngày 1-4-2009, tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ trên cả nước thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường.
Đánh giá chung của các tỉnh, thành phố cho thấy, sau 3 năm thực hiện thí điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương được duy trì và có bước phát triển. Hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương bảo đảm ổn định, không gây xáo trộn. Đáng lưu ý, qua thí điểm đã giảm thiểu nhiều thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm và rút ngắn thời gian xử lý công việc. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Hải Phòng, bộ máy chính quyền ở 14 quận, huyện và 70 phường thực hiện thí điểm cơ bản đi vào nền nếp, sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước cấp trên được tăng cường, tính hành chính của UBND rõ nét hơn. Rõ nhất là giảm đầu mối tổ chức, giảm biên chế chuyên trách và phục vụ tại các quận, phường, giảm hội họp, giảm chi cho hoạt động của HĐND huyện, quận, phường.
Tại Đà Nẵng, không chỉ rút ngắn được thời gian đối với các thủ tục hành chính, sau một thời gian thực hiện thí điểm, thành phố đã bước đầu đạt kết quả rõ nét về giảm biên chế và bộ máy trung gian. Trước đây, tổng số đại biểu HĐND 3 cấp là 1.777, hiện chỉ còn 365 (cấp TP và xã).
Từ đó đã góp phần cắt giảm một phần chi phí hành chính, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của bộ máy chính quyền và người đứng đầu huyện, quận, phường.
Một điểm đáng ghi nhận khi thực hiện thí điểm theo đánh giá của các địa phương là trách nhiệm của tập thể UBND, cá nhân chủ tịch và các thành viên UBND được nâng cao, thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính trong chỉ đạo, điều hành công việc. Mặt khác, việc thực hiện cơ chế chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chủ tịch, các thành viên UBND huyện, quận, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ ở địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, hạn chế được tâm lý hoạt động nhiệm kỳ.
Thiếu cơ chế giám sát
Kết quả là không nhỏ, song việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường cũng đặt ra nhiều vướng mắc cần khắc phục ở những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm như: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Bỏ HĐND ở cấp quận, huyện, phường, đồng nghĩa với việc thiếu hụt một lượng lớn những người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng và tâm tư của người dân ngay từ cơ sở. Điều này dù ít hay nhiều đã tạo nên một khoảng trống đối với người dân. Vấn đề làm sao để phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại những địa phương không tổ chức HĐND cũng là điều đáng quan tâm. Đặc biệt, khi làm việc với Ban Chỉ đạo TƯ, các tỉnh đều có chung băn khoăn làm sao giữ được tính hiệu quả và vai trò giám sát của HĐND như trước đây. Vì HĐND là cơ quan giám sát đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, nay không còn nữa nhưng đã qua 3 năm song chúng ta vẫn chưa có một chế tài cụ thể về vấn đề này. Hơn thế nữa, HĐND chính là cơ quan giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật ở địa phương đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp.
Theo Nghị quyết 725 của UBTV Quốc hội thì công tác giám sát đối với hoạt động của UBND, TAND, VKSND cấp huyện và việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp xã, phường do HĐND cấp tỉnh thực hiện. Công việc nhiều, hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố phải bao trùm hơn, sâu rộng hơn nhưng số lượng đại biểu được tăng cường lại quá ít. Các địa phương đều đang phải đối mặt với tình trạng quá tải trong công việc nhưng số đại biểu nói chung và đại biểu chuyên trách lại quá ít.
Các tỉnh cũng kiến nghị TƯ nên quy định rõ cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức đoàn thể, trong đó cần quy định rõ cơ quan, tổ chức đầu mối để tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời ban hành ngay hướng dẫn về cơ chế, mối quan hệ giữa HĐND xã, thị trấn với UBND huyện và Thường trực HĐND tỉnh khi không còn HĐND cấp huyện. Ban hành quy chế làm việc mẫu của UBND huyện, phường nơi thí điểm không tổ chức HĐND. Bổ sung theo hướng bố trí tăng đại biểu chuyên trách HĐND tỉnh và đại biểu HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đối với những nơi thực hiện thí điểm…
Theo kế hoạch, việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường sẽ được thực hiện đến năm 2014. Việc áp dụng mô hình trên một cách đại trà hay dừng lại giữ nguyên HĐND 3 cấp như hiện nay phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội. Nhưng dù thực hiện mô hình nào đi nữa thì vấn đề cần được quan tâm chính là bảo đảm quyền làm chủ của người dân ngay từ cơ sở...
79% người dân được hỏi đồng tình không tổ chức HĐND huyện, quận, phường |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.