Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế đặc thù

Minh Ngọc| 19/07/2010 07:18

(HNM) - Có mặt tại Huế những ngày Festival đầu tháng 6 vừa qua, du khách được chứng kiến một Huế đẹp, Huế thơ, Huế cổ kính, linh thiêng song cũng không khỏi chạnh lòng khi bên cạnh đó còn nhiều di tích đang biến thành phế tích. Nhiều dự án trùng tu, tôn tạo đã được triển khai nhưng dường như vẫn chưa đủ để lưu giữ những nét đẹp truyền thống ở đất Cố đô.

Lăng Vua Tự Đức đã được tu bổ, tôn tạo. Ảnh: Nguyệt Ánh


Nhiều di tích đang biến thành phế tích
Theo thống kê của Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế, trong số 70 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia ở Huế thì có tới 15 di tích và cụm di tích bị xâm hại. Điển hình nhất là Hồ Tịnh Tâm phía sau Kinh thành Huế - một thời là nguồn thi hứng cho các vị vua nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đã được lập dự án bảo tồn từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn là ao thả rau muống, đổ chất thải của nhiều hộ dân sống xung quanh. Chiếc cầu tre từ bờ hồ ra đảo Phương Trượng đã mục nát, nhiều đoạn gãy nhịp càng khiến khung cảnh thêm hoang nát.

Cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré cũng lâm vào cảnh tương tự. Hổ Quyền (trường đấu hổ) được vua Minh Mạng cho xây vào năm Canh Dần (năm 1830) ở đồi Long Thọ, phía Tây Nam Kinh thành Huế bên cạnh nơi thờ voi chiến dưới thời vua Gia Long. Đáng nói là kiến trúc trường đấu hổ duy nhất còn tồn tại ở châu Á hiện vẫn còn khá nguyên vẹn với hệ thống sân quan sát, khu vực khán đài, các cửa cho hổ vào, voi vào nhưng từ lâu đã bị bỏ quên và nhiều hộ dân đã "tranh thủ" lấn chiếm di tích làm nhà ở. Còn điện Voi Ré với Miếu Long Châu, với hồ Điện trên diện tích gần 2.000m2 đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ biến mất nếu các ngành chức năng không sớm bảo tồn, phục hồi.

Đặc biệt hơn, phần lớn tường rào bao quanh Thanh Bình (còn gọi là Thự Thanh Bình) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1992 nay đã bị bung vỡ. Xót xa trước sự xuống cấp này, anh Trần Ngọc Chương - người giữ chìa khóa cửa từ đường vẫn chăm chỉ mở cửa giới thiệu đến du khách những hiện vật còn lại của di tích với hy vọng di tích sẽ đọng lại trong ký ức của mọi người, được mọi người biết đến. Anh Chương cho biết: "Mùa nắng thì không can chi, nhưng khi mưa xuống chỗ mô cũng dột. Hệ thống cửa hư hết rồi, không buộc sẽ rơi". Hay như ở khuôn viên nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu (53 Phan Bội Châu, TP Huế), người dân tự ý xây dựng một ngôi nhà 2 tầng để ở...

Cần một cơ chế đặc thù
Ông Amadou Mahtar M'bow, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO từng viết: "Huế phải được cứu vãn, cứu vãn cho Việt Nam, bởi Huế là một cao điểm thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc và cứu vãn cho thế giới, vì Huế cũng là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa loài người". Thực tế, từ khi Huế được công nhận là Di sản thế giới, một dự án tổng thể bảo tồn di sản Huế đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư là 720 tỷ đồng. Nhờ đó, trên 250 công trình di tích được tu bổ, bảo quản như: Hoàng Thành, Đàn Nam Giao, Điện Văn Thánh, chùa Thiên Mụ, Lăng các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định... Ngoài ra, hằng năm Huế cũng nhận được sự hỗ trợ lớn của quốc tế qua nhiều chương trình như cung cấp trang thiết bị hỗ trợ việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; đào tạo cán bộ thông qua các khóa tập huấn ở trong và ngoài nước; cử các đoàn chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Huế…

Đặc biệt, theo đề nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế, mới đây Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 818/QĐ-TTg phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020 với kinh phí từ ngân sách lên tới 2.055 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì nguồn kinh phí trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn bởi quy mô của quần thể di tích Huế rất lớn và các loại hình di sản hết sức phong phú, đa dạng.

Ông Phùng Phu cho rằng, hệ thống cơ chế, chính sách dành cho quần thể di tích Cố đô Huế vẫn chưa rõ, chưa có chính sách đặc thù cho vùng di tích đặc biệt. Nhiều di tích vẫn vướng tình trạng quản lý chồng chéo, lỏng lẻo, nên khi xảy ra tình trạng xâm phạm di tích, chính quyền địa phương đã không xử lý kiên quyết, gây thiệt hại cho di sản và sự phức tạp kéo dài. Cụ thể như ở khu vực Hồ Tịnh Tâm hiện khó có biện pháp giải tỏa, tôn tạo cảnh quan do quá nhiều hộ dân sinh sống khu vực ven hồ. Hay như cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré, các ngành chức năng mới khoanh vùng bảo vệ chứ chưa có phương án tôn tạo, bảo tồn.

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm: Việc trùng tu các di tích ở Huế đang gặp phải những thách thức mới từ cuộc sống của một đô thị đang phát triển. Do đó, ở Huế muốn làm gì cũng lo vướng di sản, dân muốn cơi nới nhà cửa cũng phải được phép của nhiều cấp, ngành chức năng. Trong Thành nội, nhà dân không được cao quá 11m, không quá hai tầng; nhiều chiếc cầu trong các khu di tích đang xuống cấp nhưng cơ quan chức năng chưa tìm ra giải pháp để bảo tồn vì cấm cầu thì dân không có lối đi, làm thêm cầu mới thì phá vỡ chỉnh thể kiến trúc di tích... Những quy định như vậy là nhằm bảo vệ di tích và không gian di sản, nhưng giải quyết thế nào bài toán nhà ở trước sức ép dân số gia tăng và tốc độ đô thị hóa là điều không đơn giản. Do đó, theo ông, cùng với nguồn kinh phí thỏa đáng thì việc bảo vệ di tích ở Huế rất cần một cơ chế đặc thù.

Ai cũng biết hệ thống di tích ở Cố đô Huế là di sản văn hóa quý không những của Việt Nam mà còn là di sản quý của thế giới, nhưng làm thế nào để di sản trường tồn, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, của đất nước nói chung vẫn phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm của các ngành chức năng, mà trực tiếp là tỉnh Thừa Thiên Huế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.