(HNM) - Đình Nghĩa Lộ, xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 2003, song đến nay một phần ao Đình đã bị lấn chiếm để xây nhà.
TẠI góc ao Đình Nghĩa Lộ, sát đường làng, một gian nhà khang trang được xây dựng từ tháng 5-2011 và hiện nay gia chủ sử dụng làm đại lý bán hàng. Đây là công trình của gia đình ông Ngô Văn Vạn ở cụm dân cư 1, thôn Nghĩa Lộ, xã Võng Xuyên, đã bị các cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời buộc phải tháo dỡ. Ông Đoàn Trọng Thực, cán bộ địa chính xã Võng Xuyên dẫn giải: Vi phạm này bắt nguồn từ việc năm 1999, UBND xã cho phép gia đình ông Vạn thuê 10m2 đất ở góc ao Đình để làm kho chứa gỗ trong thời hạn 10 năm. Sau đó, từ khoảnh đất này, gia đình ông Vạn tiếp tục mở rộng bằng cách tập kết vật liệu xây dựng, xây kè… Với việc làm đó, năm 2006, ông Vạn đã bị UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính nhưng vì không xử lý dứt điểm nên vi phạm mới lại phát sinh và diện tích lấn chiếm hiện nay là 90m2.
Gian hàng của gia đình ông Vạn xây trên phần đất ao Đình Nghĩa Lộ. |
Giải thích những căn cứ ban hành quyết định xử lý vi phạm của các cấp thẩm quyền huyện Phúc Thọ, cán bộ địa chính xã Võng Xuyên lý giải: Đến thời điểm này, gia đình ông Vạn vẫn không có giấy tờ, tài liệu nào chứng minh phần đất ở góc ao thuộc quyền sử dụng của gia đình. Trong khi đó, tại bản đồ địa chính xã đo năm 1987, ao Đình Nghĩa Lộ có số thửa 113, diện tích 2.930m2 do HTX Võng Xuyên quản lý; còn đất của gia đình cụ Ngô Văn Hoàn (bố đẻ ông Vạn) có 2 thửa: Thửa 86, rộng 600m2 và thửa 87, diện tích 390m2. Hệ thống bản đồ đo năm 1996, ao Đình có số thửa 176, diện tích chỉ còn 1.140m2 và thửa đất của cụ Hoàn tách cho 2 con sử dụng là ông Ngô Văn Vạn, số thửa 160, rộng 240m2 và ông Ngô Văn Thưởng số thửa 147, diện tích 720m2. Tại các bản đồ nói trên, giữa 2 thửa đất của gia đình cụ Hoàn với ao Đình đều được ngăn cách bởi con đường đi chung của làng.
Không thừa nhận những thông tin nêu trên, ông Vạn cho biết: Khoảng những năm 1960, đất của bố mẹ tôi để lại là một thửa đất liền thổ, "chạy" đến tận bờ ao Đình. Vì địa phương làm đường nên con đường làng hiện nay đã "xắn" đất của gia đình tôi thành hai phần tách rời nhau, trong đó có một phần ở góc ao mà trước đó gia đình vẫn trồng tre. Đến năm 1997, địa phương lại tiếp tục mở rộng đường và đất của gia đình tôi cũng đã bị lấy thêm để làm đường đi chung. Năm 2003, UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình, nhưng vì diện tích ghi trong giấy chứng nhận không đúng thực tế nên tôi không nhận. Các biên bản giao thầu phần đất ở góc ao đình có chữ ký của tôi, thậm chí các biên bản vi phạm hành chính do UBND xã lập ra đối với tôi đều là giấy tờ… giả.
Quá trình giải quyết đơn của ông Ngô Văn Vạn, UBND huyện Phúc Thọ và xã Võng Xuyên đã tiến hành xác minh thực địa qua những người cao tuổi sống tại địa phương và họ đều khẳng định phần đất gia đình ông Vạn xây nhà ở góc ao Đình là đất công. Tại Biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích do Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây cũ (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) lập năm 2003 thì vùng bảo vệ di tích Đình Nghĩa Lộ gồm cả ao Đình với số thửa 176, diện tích 1.140m2. Trong tất cả các biên bản vi phạm hành chính, gia đình ông Vạn đều không ký, song ông cũng không đưa ra được bằng chứng gì về việc các cấp làm giả hồ sơ, tài liệu.
Thiết nghĩ, để trọn vẹn lý, tình, UBND xã Võng Xuyên cần tổ chức thêm một buổi đối thoại giữa gia đình ông Vạn với cán bộ địa phương cũng như với những cụ cao niên, đồng thời công khai toàn bộ hệ thống bản đồ có giá trị pháp lý đang lưu trữ tại địa phương để gia đình ông Vạn có cơ sở khẳng định chính xác quyền và nghĩa vụ của mình, không để xảy ra những căng thẳng không cần thiết khi xử lý công trình vi phạm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.