Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chính sách hỗ trợ lao động di cư

Linh Chi| 24/12/2016 07:43

(HNM) - Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, 5 năm qua, số lượng người di cư lên tới khoảng 12,4 triệu, chiếm 14% tổng dân số. Luồng di cư nội tỉnh và giữa các tỉnh, các vùng đang gia tăng mạnh, vì nhiều mục đích như mưu sinh, học tập, phát triển nghề nghiệp...

Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt


Di cư từ nông thôn đến các đô thị đang là một xu hướng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng tạo ra sức ép và những hệ lụy tiêu cực tại các thành phố, đòi hỏi sớm có những chính sách quản lý phù hợp.

Xu hướng di cư ngày càng mạnh

Hiện nay, nhiều người từ các vùng quê xa đến thành phố hoặc tới các khu công nghiệp, nhà máy, làm những việc tuy giản đơn, thu nhập thấp, nhưng cũng có tiền gửi về quê xây sửa nhà cửa, bảo đảm việc học hành cho con em, nâng cao chất lượng cuộc sống của người thân, góp phần không nhỏ cho bộ mặt làng quê thêm khang trang. Như trường hợp của bà Nghiêm Thị Xuyền (quê Phú Xuyên, Hà Nội). Năm 1992, sau khi bị thua lỗ trong việc nuôi cá lồng, bà quyết định vào nội thành bán hàng rong. Mưu sinh ở nơi đất lạ, gặp nhiều khó khăn, nhưng bà không có sự lựa chọn khác.

Với gánh tào phớ nhỏ trên vai, mỗi ngày đi bán rong hàng chục cây số, bà tần tảo kiếm tiền trả nợ, nuôi được 3 đứa con ăn học đến tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp ổn định. Giống như bà Xuyền, anh Nguyễn Hải Dương rời quê Nam Định lên Hà Nội một mình, làm nghề bốc vác thuê, bán hàng để nuôi gia đình với hai con đang tuổi ăn học. Cực nhọc mấy anh cũng cố làm để dành dụm tiền gửi về nhà trang trải cuộc sống, sửa chữa nhà cửa, mua sắm thêm đồ đạc...

Mỗi ngày, cư dân đô thị đều gặp gỡ và sử dụng dịch vụ từ các công việc của người di cư. Họ là công nhân lắp ráp xe máy, ô tô; là người thợ sửa chữa nhà cửa, bán hàng rong trên phố, chăm sóc người già, trẻ em, dọn nhà, làm vườn... Có thể nói, người lao động di cư là lực lượng đóng góp đáng kể cho việc thay đổi cuộc sống ở nhiều vùng quê, và cũng đóng góp một phần cho sự phát triển của thành thị. Tuy nhiên, các chính sách liên quan đến người di cư hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng, 90% lao động di cư không được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến. Người di cư phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, cuộc sống thiếu thốn, vất vả. Để có tiền gửi cho người thân, anh Nguyễn Hải Dương thuê chung phòng trọ chỉ rộng 10m2 ở phường Phúc Xá (quận Ba Đình) với một người bạn. Ngoài tiền thuê 800 nghìn đồng/tháng, anh còn phải trả tiền điện, tiền nước, nên vẫn phải tiết kiệm triệt để, giảm tối đa các nhu cầu thông thường. Không có hộ khẩu Hà Nội, anh Dương cũng như nhiều người di cư khác, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...

Cùng chịu thiệt thòi với cha mẹ, con của người di cư không được vào học trường công vì không có hộ khẩu thành phố. Chúng dễ bị thất học nếu cha mẹ không có đủ tiền cho con học trường tư hoặc không quan tâm đầy đủ tới việc học của con trẻ. Dù rất khó khăn về kinh tế, nhưng người di cư không được bình xét diện hộ nghèo, không được vay vốn, hưởng các chính sách hỗ trợ người nghèo.

Cần được công nhận, hỗ trợ

Di cư tạo ra thách thức cả ở nơi đến và nơi đi. Việc chuyển dịch từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp có thể gây tình trạng thiếu lao động ở nơi đi, đặc biệt là với những người di cư có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ. Các gia đình có người di cư được sống tốt hơn nhờ tiền gửi về, nhưng những người ở lại phải gánh vác tất cả những công việc của gia đình, xã hội. Con cái của người di cư cũng chịu nhiều tác động do thiếu sự chăm sóc của người thân. Di cư còn tạo ra áp lực về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ xã hội, nhà ở, khám chữa bệnh, hệ thống điện, nước, vệ sinh ở nơi họ đến. Đối với người nghèo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, di cư hàm chứa nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, người di cư không được quan tâm, quản lý cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Hiện nay, trong điều kiện tổng tỷ suất sinh ở Việt Nam đang có xu hướng dưới mức sinh thay thế, di cư nội địa sẽ là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Để giúp đỡ lao động di cư, thực tế TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp - chế xuất. Từ năm 2014, mạng lưới Hành động vì lao động di cư ra đời, nhằm nâng cao năng lực, thúc đẩy quyền của lao động di cư. Tại nhiều khu vực, các thủ tục hành chính đã cởi mở hơn; người di cư đã tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như được mua bảo hiểm y tế, con họ được học trường công...

Thạc sĩ, Phó Viện trưởng Viện Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) Nguyễn Thu Giang, người có nhiều năm làm việc với người di cư, đánh giá lao động di cư rất cần mẫn và ở góc độ kinh tế họ cũng có những đóng góp nhất định cho xã hội, vì thế cần có những chính sách thích hợp để tận dụng nguồn lực lao động này. Nếu được quan tâm, hòa nhập bình đẳng, chắc chắn những đóng góp của lao động di cư cho xã hội sẽ ngày càng nhiều hơn. Cùng với đó, những hệ lụy xấu đến trật tự an toàn xã hội cũng sẽ được giảm thiểu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần chính sách hỗ trợ lao động di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.