(HNM) - Từ đổi mới, mở cửa nền kinh tế, nước ta đã có bước chuyển đổi quyết định - không còn lệ thuộc vào viện trợ. Chỉ sau hơn hai chục năm kinh tế đất nước đã phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng trung bình hằng năm trên 6%. Nhưng gần đây, do các cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới cùng nhiều tác động khác, những thành quả tăng trưởng của Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn - lạm phát.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là chính sách tiền tệ chúng ta chưa tìm ra được những giải pháp khoa học, thực tế để tạo nên một dòng chảy hợp lý nhất, hiệu quả nhất cho nguồn tiền tệ - từ thu tới chi. Nói đơn giản - chúng ta đã biết làm ra tiền nhưng chưa biết chi tiêu ra sao cho có lợi nhất từ những đồng vốn bỏ ra.
Dù đã được coi là nước thu nhập trung bình nhưng Việt Nam vẫn còn nghèo nếu nhìn vào đời sống thường ngày của dân chúng. Mặt khác Việt Nam cũng không đến nỗi thiếu tiền: Mỗi năm, Chính phủ bỏ ra 17 - 20% tổng sản phẩm quốc gia (GDP) cho đầu tư công, trong khi đó tỷ lệ này ở Indonesia (nền kinh tế số 1 của ASEAN) là 1,6%, ở Trung Quốc (nền kinh tế số 2 thế giới) là 3,5%; còn trung bình trong khu vực là 5%...
Đầu tư công của Việt Nam lớn đến mức nào? Thực hiện Nghị định 11 của Chính phủ từ đầu năm đã cắt giảm được 1.052 dự án khởi công mới trong năm nay với số vốn gần 3.500 tỷ đồng. Từng ấy là nhiều hay ít? Hoàn toàn không nhiều. Nó chỉ bằng 21% số dự án mới của riêng năm 2011! Tính nhẩm cũng dễ thấy chỉ một năm nay, theo kế hoạch đã được duyệt, cả nước có trên 5.000 dự án mới khởi công lấy vốn từ ngân sách nhà nước, nghĩa là mỗi tỉnh, thành trên 80 dự án. Trong hàng nghìn dự án ấy bao nhiêu cái khởi công đúng tiến độ, bao nhiêu thực sự cần ngay?... Cũng nên nói là nhiều tỉnh của ta cho đến hôm nay vẫn hằng năm lấy từ ngân sách Trung ương nhiều hơn "nộp" vào!
Như thế thì tiền Nhà nước nghe chừng không đến nỗi thiếu nhưng doanh nghiệp, nhất là ngoài quốc doanh, vừa và nhỏ, muốn vay không phải dễ. Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tới 75% xí nghiệp cần vay vốn nhưng chỉ 1/3 có thể vay; 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không thể. Ngay cả khi được Chính phủ ưu đãi thì cũng chỉ 5-10% là mượn được tiền ngân hàng. Lãi suất không hề thấp - 20% và hơn nữa...
Tiền là tài sản quốc gia. Tiền ổn định nền kinh tế, quốc gia ổn định. Càng đổi mới, hội nhập nền kinh tế của Việt Nam càng phát triển, khả năng, cơ hội "kiếm tiền" của chúng ta càng nhiều, nguồn thu mỗi năm một đa dạng hơn, mạnh hơn (những năm gần đây mỗi năm nguồn kiều hối lớn hơn cả viện trợ ODA) nhưng chính sách, chiến lược "tiêu tiền" chưa đáp ứng kịp yêu cầu; chưa phản ánh đúng nhu cầu thực tế của xã hội.
Tăng trưởng giảm nhưng vững chắc; lạm phát có thể cao nhưng chỉ trong một giai đoạn nhất định và kiểm soát được để tạo nền tảng phát triển ổn định, ở một góc độ tài chính có thể hiểu là thu có thể bớt nhưng chi phải hợp lý, khoa học và hiệu quả. Nếu không có một chiến lược đầu tư, sử dụng ngân sách như vậy thì cố gắng bao nhiêu, tăng trưởng bao nhiêu cuối cùng chỉ ráo mồ hôi là hết tiền - mọi thành quả sẽ bị lạm phát nuốt sạch.
Chính sách tiền tệ nói cho cùng là vấn đề thu và chi. Thu, như thực tế cho thấy, chúng ta có khả năng. Còn chi đang là bài toán bỏ ngỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.