(HNM) - Trong phát triển kinh tế biển có nhiều thách thức đang được đặt ra, đòi hỏi phải có chiến lược để phát triển bền vững.
Người dân xã Quảng Vinh (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) tham gia chiến dịch làm sạch biển. Ảnh: Anh Tuấn |
Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các lĩnh vực diễn ra trên biển, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển chiếm tới 98%. Các ngành có liên quan trực tiếp tới khai thác biển, như: Đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến hải sản, thông tin liên lạc... bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô còn nhỏ (chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước). Ngành Du lịch biển dù có tiềm năng kinh doanh lớn, với 3 khu du lịch tổng hợp và 10 khu du lịch chuyên đề, song vẫn thiếu những sản phẩm dịch vụ biển - đảo đặc sắc, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
Bờ biển dài và đẹp, chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng quá trình phát triển hiện nay của kinh tế biển đang đối mặt với nhiều thách thức. Về khách quan, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ. Các hệ sinh thái ven biển, người dân ven biển và trên các đảo là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, quá trình phát triển "nóng" đã dẫn đến những bất cập, mà bài học từ Công ty Formosa Hà Tĩnh là ví dụ điển hình.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, các vụ việc gây tổn hại môi trường vừa qua đã gióng hồi chuông báo động. Trong khi một số nhà khoa học cho rằng, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam có lẽ chỉ phù hợp với giai đoạn cần thu hút đầu tư trước kia, đã gây bất lợi cho môi trường và các mặt đời sống, xã hội. Đánh giá sơ bộ của Bộ TN&MT đã chỉ rõ, vùng biển ven bờ các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh mỗi năm tiếp nhận hàng trăm nghìn tấn nước thải hữu cơ (Cod) và hàng chục tấn hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng...
Cho rằng đã đến lúc cần gắn kinh tế biển với sự phát triển bền vững, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và Hải đảo đề nghị: "Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với nâng cao mức sống, điều kiện sống người dân, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển cho thế hệ mai sau". Cũng theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, cần phải rà soát quy định pháp luật hiện hành về đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển có xả thải ra biển, bảo đảm chất thải từ các dự án nằm trong giới hạn tự làm sạch của biển và không gây tác hại đáng kể đến môi trường biển.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thành Minh cho biết, Bộ TN&MT đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; bảo vệ TN&MT sinh thái biển; phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển, giàu từ biển vào năm 2020. Cùng với việc Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai "Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Có thể xem đây là những bước chuyển, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển theo hướng hiệu quả, bền vững và có khả năng hội nhập quốc tế, qua đó, bảo đảm an ninh chủ quyền vùng biển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.