Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chỉ đích danh sai phạm

Hà Phong| 07/10/2017 06:24

(HNM) - Năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nhưng ở một số nơi, mặc dù đã thực hiện cơ chế

Diễn biến còn phức tạp

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 do Thanh tra Chính phủ công bố có nhiều điểm nổi bật, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước được phát hiện, xử lý kịp thời. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là 1.113.422 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai là 1.111.818 bản, đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản kê khai; xác minh đối với 77 người, phát hiện 3 trường hợp vi phạm, trong đó có cả cán bộ cấp cao.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Một số tồn tại, hạn chế thiếu thông tin, địa chỉ cụ thể. Trong đó, việc kê khai tài sản cần làm thực chất, hiệu quả hơn nữa; vấn đề cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chưa phát huy hiệu quả không được đề cập. Số liệu đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước do Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức vào tháng 3-2017 cho thấy, 4,9 - 28,4% số người được hỏi cho biết, phải trả thêm tiền ngoài quy định khi đi làm các loại giấy tờ như: Giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở...

Một trong những nguyên nhân theo phản ánh của người dân với các đại biểu Quốc hội là do mức độ cải thiện các thủ tục hành chính còn hạn chế, “một cửa” nhưng nhiều khóa, nhất là về lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một bộ phận cán bộ công chức, viên chức còn thiếu ý thức trách nhiệm, năng lực hạn chế, có thái độ vô cảm, nhũng nhiễu.

Ngoài ra, dù Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao, nhưng việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi đã bị phát hiện. Việc chi hoa hồng cho bác sĩ của Công ty cổ phần VN Pharma (các bị cáo trong vụ VN Pharma khai đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được kê đơn thuốc cho bệnh nhân) gây bức xúc dư luận...

Không ai có thể đứng ngoài cuộc

Trong báo cáo cũng cho thấy, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Trong kỳ báo cáo chỉ có 25 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong khi đó có 328 bị cáo bị tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm về tội danh tham nhũng; hàng trăm nghìn vụ việc bị xử phạt hành chính, trong đó có những vụ liên quan đến tham nhũng. Để khắc phục bất cập này, trong thời gian tới, việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng cần được xử lý quyết liệt hơn, trên tinh thần chỉ đích danh sai phạm.

Chủ trì phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng cuối tháng 7-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, thành xu thế, không ai có thể đứng ngoài cuộc… Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhiều vụ án được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ sai phạm đã bị xử lý nghiêm, trong đó có cả cán bộ cấp cao khiến nhân dân càng thêm tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng trong công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Cùng với sự tin tưởng, đông đảo nhân dân mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, lấp các "kẽ hở" để ngăn chặn tham nhũng, bảo đảm công cuộc đấu tranh với loại "giặc nội xâm" này đạt kết quả bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chỉ đích danh sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.