Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chế tài giám sát để tạo sự đồng thuận

Lý Hồng Phong - Bách Sen| 30/11/2020 07:34

(HNM) - Một trong những sửa đổi quan trọng được quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng là giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng. Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm, tài xế phải học và thi sau ít nhất 6 tháng.

Điểm mới này theo đánh giá của dư luận sẽ tác động trực tiếp đến ý thức tài xế, hạn chế vi phạm, góp phần giảm tai nạn giao thông. Song cần thêm chế tài để giám sát, minh bạch, khách quan trong xử lý mới tạo được đồng thuận.

Theo lý giải của Bộ Công an, 12 điểm của mỗi giấy phép lái xe tương ứng với 12 tháng, là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Điểm không thể hiện trên giấy phép lái xe mà sẽ được mã hóa, lưu trong hệ thống dữ liệu giấy phép lái xe, được cập nhật lên hệ thống dữ liệu chung toàn quốc ngay sau khi có quyết định xử phạt. Cảnh sát giao thông ở mọi địa phương chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.

Bộ Công an dự kiến quy định các nhóm hành vi tương ứng với số điểm bị trừ, ví dụ như vượt đèn đỏ sẽ bị trừ 6 điểm, lấn làn trừ 5 điểm… Đáng chú ý, giống như số tiền trong thẻ ngân hàng, trong trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm trong 1 năm thì coi như không còn giá trị. Tài xế sau khi “hết điểm” muốn cấp giấy phép lái xe mới buộc phải học và thi lại trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực. Trong trường hợp người lái xe không bị trừ hết điểm thì sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Cùng với đó, nếu trong 1 năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.

Đón nhận thông tin trên, nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ. Theo anh Nguyễn Ngọc Dũng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, để thực thi hiệu quả, ngoài trừ điểm, cần bổ sung quy định học lại các nội dung đã phạm lỗi khi giấy phép lái xe bị trừ liên tục lỗi đó trong 2 năm liên tiếp.

Anh Nguyễn Trọng Hoàn, tạm trú ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, là tài xế GrabBike cũng cho rằng, thực tế, việc trừ điểm trên giấy phép lái xe không hề mới. Từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng "bấm lỗ". Khi đó, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ mà theo quy định của pháp luật, hành vi đó có mức cao nhất của khung tiền phạt từ 200.000 đồng trở lên, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn bị đánh dấu vi phạm trên giấy phép lái xe. Lái xe bị bấm lỗ lần thứ hai sẽ phải sát hạch lại Luật Giao thông đường bộ mới được cấp đổi giấy phép lái xe.

Song anh Nguyễn Trọng Hoàn đặt câu hỏi: “Hiện tại, nhiều lỗi vi phạm nặng đã có hình thức tước giấy phép lái xe có thời hạn. Nếu vừa tước vừa trừ điểm thì liệu có bị chồng chéo, tác động nhiều lần tới giấy phép lái xe của người vi phạm”.

Đánh giá đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe là quy định tiên tiến và sẽ đạt hiệu quả tốt với người tham gia giao thông khi chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, nhiều người vẫn bày tỏ sự hoài nghi bởi khi lái xe bị trừ hết điểm sẽ coi như bị tước giấy phép lái xe, áp lực này có thể nảy sinh việc “lót tay” lực lượng chức năng để không bị lập biên bản và trừ điểm.

Như vậy, nhân tố quyết định thành công của quy định này xét cho cùng đều do con người, từ quy định đến chuyển biến về nhận thức trong thực tế mất bao lâu cũng đều do ý chí con người. Điều dư luận quan tâm chính là Bộ Công an cần nghiên cứu để cùng một hành vi, chỉ áp dụng 1 mức phạt.

Theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe dự kiến sẽ được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, với mô hình hiện nay, ngành Giao thông - Vận tải quản lý đào tạo lái xe, ngành Công an kiểm tra, giám sát. Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì lực lượng công an sẽ xử lý. Như vậy bảo đảm nguyên tắc giám sát giữa các ngành lẫn nhau, nâng cao tính minh bạch và khách quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần chế tài giám sát để tạo sự đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.