Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chế tài đủ mạnh bảo vệ người tố cáo

An Trân| 17/09/2011 06:37

(HNM) - Tháng 10 tới, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, Luật Tố cáo dự kiến sẽ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến và thông qua, người dân mong chờ cùng với việc mở rộng phạm vi giải quyết, vấn đề bảo vệ người tố cáo sẽ được đề cập thấu đáo...


Tố cáo - một kênh phòng, chống tham nhũng hiệu quả

Còn nhớ, tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 12 tỉnh, TP Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, đại diện tỉnh Thái Bình cho biết, tại tỉnh có 3 kênh được sử dụng để phát hiện tham nhũng. Một là qua công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình trong các kỳ sinh hoạt chi bộ. Thứ hai là qua công tác thanh tra, kiểm tra và cuối cùng là qua đơn thư, tố cáo. Song, qua mấy năm chưa phát hiện được vụ tham nhũng nào từ kênh thứ nhất. Kênh thứ hai thì thấy nhiều sai phạm có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan thanh tra chỉ mới kết luận có sai phạm trong quản lý kinh tế và yêu cầu thu hồi. Do vậy kênh thông tin này có phát hiện hành vi tham nhũng nhưng vẫn còn hạn chế. Kênh thông tin phát hiện nhiều nhất những hành vi tham nhũng xảy ra trong các cơ quan, đơn vị chính là qua đơn thư, tố cáo. Đây không chỉ là trường hợp của riêng Thái Bình mà tại nhiều địa phương khác, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực phần lớn được phát hiện qua đơn thư, tố cáo.

Người tố cáo rất cần được bảo vệ.
Trong ảnh: Anh Nguyễn Tăng Tiên (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là người tích cực tham gia tố cáo tội phạm. Ảnh:
Võ Bá

Theo kết quả tổng kết của ngành thanh tra các tỉnh phía Bắc về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, qua nửa đầu năm 2011 đã giải quyết được 3.431/4.454 đơn thư thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 77%. Trong đó, về tố cáo đã giải quyết 991/1.251 đơn, đạt tỷ lệ 79,2%. Đáng chú ý, thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 5,12 tỷ đồng, 2.252m2 đất; trả lại cho công dân 684,37 triệu đồng, 3.808m2 đất, minh oan cho 16 người, kiến nghị xử lý hành chính 24 người.

Từ những kết quả đã đạt được có thể thấy tố cáo là một kênh quan trọng, góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác PCTN.

Có hay không chế tài được bảo vệ suốt đời?

Chủ nhân giải thưởng Liêm khiết năm 2007 của Tổ chức minh bạch quốc tế, bà Lê Hiền Đức - người nổi tiếng về chống tiêu cực đã từng thừa nhận "người tố cáo, chống tham nhũng thường rất đơn độc". Quả thật, đó là nỗi lo chung của những người dám dấn thân vào con đường chông gai nhưng vô cùng vẻ vang này. Gần đây, vụ việc anh Trần Văn Giáp, ở TP Vinh, một trong 18 điển hình được Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh Nghệ An khen thưởng vì dũng cảm chống tiêu cực nhiều lần bị côn đồ tấn công lại một lần nữa làm dấy lên trong dư luận xã hội vấn đề bảo vệ người tố cáo.

Dự án Luật Tố cáo được đưa ra trình QH lần này đã dành hẳn một chương đề cập tới nội dung bảo vệ người tố cáo. Trong đó, vấn đề bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ an toàn việc làm; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người tố cáo và việc xử lý người vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo đã được đề cập khá chi tiết. Tuy nhiên, với các phương thức được đưa ra trong dự thảo như bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc có các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật theo đánh giá của nhiều người là còn chung chung và chưa thực sự khả thi. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Phan Trung Lý, việc quy định về cơ chế bảo vệ người tố cáo nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để người tố cáo thực hiện quyền của mình và cần chủ động bảo vệ họ ngay cả khi họ không yêu cầu. Tuy nhiên, nguồn lực bảo đảm cũng như kinh nghiệm thực tế về bảo vệ người Tố cáo ở nước ta còn hạn chế và vẫn còn trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, những quy định về bảo vệ người tố cáo của dự thảo luật là cần thiết song cần phải được rà soát và tính toán thêm. Ví dụ như điều 48, quy định phải giữ bí mật thông tin của người tố cáo nhưng thực tế việc này lại cực kỳ khó khăn.

Với những người tham gia tố cáo, chống tiêu cực, tham nhũng, ngay từ khi thực hiện hành vi tố cáo, họ và cả người thân trong gia đình đã luôn phải đối mặt với nguy cơ bị trả thù hay trù dập. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến không ít người "nhắm mắt làm ngơ" hoặc chọn cách gửi đơn thư nặc danh tố cáo. Dấn thân vào con đường nguy hiểm, nhưng hiện nay các quy định về bảo vệ người tố cáo mới chỉ được quy định chung chung, mang tính nguyên tắc tại một số luật như Luật PCTN, Bộ luật tố tụng hình sự. Để ngày càng có nhiều hơn những người "giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha", nên chăng, các nhà lập pháp cần có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố cáo cũng như người thân của họ. Trong đó, vấn đề bảo vệ lâu dài, thậm chí đến suốt đời cũng nên được đặt ra như thay đổi nhận dạng, lý lịch người được bảo vệ; làm lại các giấy tờ cần thiết, tạo chỗ làm...

Thiết nghĩ, bảo vệ người tố cáo chống tiêu cực, tham nhũng chính là một biện pháp hữu hiệu để thu hút ngày một nhiều hơn những người dám dấn thân, đối đầu với loại tội phạm tham nhũng, tiêu cực tinh vi đang làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chế tài đủ mạnh bảo vệ người tố cáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.