(HNMO) - Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới ngày 28-6 về việc thực hiện quy định phòng dịch của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, đa số các hàng quán thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cửa hàng không thực hiện giãn cách, không tự giác đóng cửa trước 21h, chỉ đến khi lực lượng chức năng nhắc nhở thì mới tuân thủ quy định.
Nhiều nơi thực hiện nghiêm túc
Ghi nhận trong ngày 28-6, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn, uống đã chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch. Trong đó có phố Duy Tân (quận Cầu Giấy) là tuyến phố được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, tập trung 35 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ khoảng hơn 5.000 lượt khách/ngày, đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ, nhân viên văn phòng.
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Tống Xuân Duy cho biết, mặc dù lượng khách tới ăn uống trên tuyến phố này khá đông nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cũng như tăng cường giám sát, nhắc nhở, xử lý về phòng, chống dịch nên các cửa hàng đều trang bị vách ngăn, cồn rửa tay và yêu cầu nhân viên, khách đeo khẩu trang khi giao tiếp.
Tương tự, trên địa bàn phường Kim Liên (quận Đống Đa) có các phố Lương Định Của, Đông Tác tập trung nhiều hàng ăn và quán cà phê. Xác định tính chất phức tạp vì địa bàn có đông dân cư, hằng ngày, Công an phường Kim Liên bố trí tuần tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm.
Trung tá Hoàng Hải, Trưởng Công an phường Kim Liên cho biết, việc giám sát này được ghi hình lại và phản ánh qua ứng dụng Zalo kết nối các tổ Covid-19 cộng đồng. Sau 21h, Công an phường tiếp tục tuần tra yêu cầu hàng quán đóng cửa theo quy định của thành phố.
Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thành Lý cho biết, lực lượng chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra việc chấp hành dừng hoạt động đối với các cửa hàng kinh doanh dịch vụ chưa được phép hoạt động trở lại như: Quán bia hơi, các cơ sở kinh doanh karaoke, điểm truy cập Internet, quán bar, massage. Đồng thời, kiểm tra nhà hàng, dịch vụ ăn uống tại chỗ, quán cắt tóc, gội đầu... đã được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện đóng và mở cửa theo đúng giờ quy định. Đến nay, Công an huyện và các xã, thị trấn phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý 195 trường hợp với số tiền xử phạt hơn 286 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cũng cho biết, bên cạnh việc duy trì các chốt kiểm soát y tế tại cửa ngõ các xã, thị trấn, UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý với các hàng quán vi phạm quy định phòng dịch theo yêu cầu của UBND thành phố. Về cơ bản, các hàng quán tuân thủ đầy đủ các yêu cầu theo thông điệp “5K”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, huyện duy trì 4 đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện và 448 cơ sở dịch vụ ăn uống, 185 quán cắt tóc, gội đầu về việc thực hiện đóng cửa đúng giờ. Đối với các hàng ăn, UBND các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người khi được hoạt động trở lại. Các điểm kinh doanh phải bố trí nước sát khuẩn, người bán hàng phải đeo khẩu trang và có các biện pháp phòng, chống dịch.
Vẫn còn nhiều vi phạm
Ghi nhận thực tế của phóng viên trên địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, huyện Gia Lâm… tối 27-6 và ngày 28-6 cho thấy, hầu hết hàng quán có vách ngăn che giọt bắn, nhưng còn nhiều hàng quán chưa tuân thủ quy định, vẫn nhận khách đến ăn uống quá 20 người, không ngồi giãn cách theo quy định an toàn phòng, chống dịch.
Cụ thể, tối 27-6, khảo sát trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), phóng viên nhận thấy, phần lớn cửa hàng ăn uống trên các phố Nguyễn Hữu Thọ, Trần Thủ Độ và Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm… đã trang bị vách ngăn, kê bàn ghế giữ khoảng cách 2 mét. Tuy nhiên, còn một số nhà hàng, quán cà phê ở Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm chưa trang bị dụng cụ đo thân nhiệt và ghi thông tin khi khách vào ăn uống.
Anh Trần Tuấn Anh, người dân sống tại phố Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) cho biết, có nhiều cửa hàng ăn uống vẫn để khách ngồi sau 21h, chỉ khi có lực lượng chức năng đến nhắc nhở thì khách hàng mới đứng dậy ra về và chủ quán tạm đóng cửa. Điều này cho thấy ý thức của cả chủ quán lẫn khách hàng chưa tốt, cần được chấn chỉnh ngay.
Tại các phố: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự (quận Long Biên); Lê Thanh Nghị, Bạch Mai, Trại Găng (quận Hai Bà Trưng), tình trạng các cửa hàng ăn uống hoạt động quá 21h khá phổ biến vào tối 27-6. Tương tự, ngày 28-6, phóng viên ghi nhận tại phố Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), nhiều người dân tụ tập uống trà trên vỉa hè, không thực hiện giãn cách theo quy định.
Trước thực trạng này, phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo các địa phương liên quan thì được biết, sau 1 tuần thực hiện quy định nới lỏng một số dịch vụ ăn uống, cắt tóc, gội đầu được hoạt động trở lại, biện pháp của chính quyền sở tại vẫn chủ yếu là nhắc nhở, chưa xử phạt vi phạm. Nguyên nhân là các chủ cơ sở thường có biện pháp đối phó, thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra là cho khách ngồi giãn cách, hoặc ra về, rất khó cho công tác lập biên bản, xử phạt.
Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) Nguyễn Xuân Cương cho biết, biện pháp tốt nhất mà thị trấn áp dụng là tăng số lượt tuần tra, giám sát tại địa bàn tuyến phố Hà Huy Tập - tuyến phố thương mại lớn nhất trên địa bàn - nhằm ngăn chặn kịp thời, không để vi phạm xảy ra.
Còn Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Tuyết Lan khẳng định, đối với những trường hợp vi phạm lần 1, phường nhắc nhở, nếu tái phạm, nhất định xử phạt theo quy định.
Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Tạ Hải cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường một mặt tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, mặt khác cử các tổ Covid-19 cộng đồng xuống tuyên truyền, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định. UBND phường cũng yêu cầu lực lượng công an liên tục kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở ngừng hoạt động kinh doanh sau 21h.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa tự giác đóng cửa, chỉ khi lực lượng công an đến nhắc nhở, yêu cầu thì mới thực hiện. “Thời gian tới, lực lượng chức năng phường sẽ xử phạt nghiêm hành vi cố tình mở cửa sau 21h”, ông Tạ Hải khẳng định.
Về thông tin Báo Hànộimới phản ánh vi phạm phòng dịch ngày 27-6 tại khu chợ phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, đã kịp thời chấn chỉnh hoạt động chợ dân sinh trên phố Hàng Vải, yêu cầu người bán và người mua tuân thủ quy định phòng, chống dịch, đeo khẩu trang khi giao tiếp và giữ khoảng cách.
“Sau khi được tuyên truyền, các hàng bán giò chả, đồ ăn chín trên phố đã yêu cầu khách phải xếp hàng khi mua. Các hộ kinh doanh bán mực nướng trên tuyến phố này vào buổi tối cũng được yêu cầu ký cam kết không bán hàng sau 21h”, Trung tá Dương Bảo Thạch thông tin.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.